Hôm thứ Hai, Trung Quốc và chính phủ lâm thời Afghanistan do Taliban lãnh đạo đã có cuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ khi tổ chức này giành chính quyền. Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thúc giục Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống lại Taliban để giúp đất nước vượt qua khủng hoảng nhân đạo. 

W020211026516347390161
Ngoại trưởng Vương Nghị gặp phó Thủ tướng Afghanistan (Taliban) tại Qatar (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Đây là cuộc họp đầu tiên của ông Vương với quyền phó Thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar kể từ tháng 7, khi lãnh tụ Taliban đi thăm Thiên Tân ở miền bắc Trung Quốc ngay trước khi tiếp quản Kabul. Ông Vương còn dự định gặp quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ lâm thời Amir Khan Muttaqi trong hai ngày ở Doha.

Việc nhóm nổi dậy Hồi giáo trở lại nắm quyền lực hồi tháng 8 đã khiến Mỹ đóng băng phần lớn dự trữ tài chính của đất nước này. Nhiều nước vẫn lưỡng lự trong việc công nhận tính hợp pháp của nhà cầm quyền Taliban và nhiều tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tạm dừng cho Afghanistan tiếp cận nguồn vốn phát triển.

“Trong khi đó, Afghanistan đang phải đối mặt với 4 thách thức, đó là khủng hoảng nhân đạo, hỗn loạn về kinh tế, đe dọa khủng bố và khó khăn về quản trị. Việc vượt qua những thách thức này đòi hỏi sự thông cảm và ủng hộ nhiều hơn từ cộng động quốc tế,” ông Vương Nghị nói.

“Trung Quốc đề xuất toàn bộ các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và kêu gọi tất cả các bên cam kết với Taliban Afghanistan một cách hợp lý và thực tế để giúp Afghanistan bước đi trên con đường phát triển đúng đắn,” ông nói thêm.

Ông Vương cũng hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan. Tháng trước, Bắc Kinh đã thông báo họ sẽ đóng góp 200 triệu nhân dân tệ (31,3 triệu đôla) viện trợ, bao gồm thực phẩm và vắc-xin phòng virus corona cho đất nước.

Đầu tháng này, Mỹ cũng đã gặp các đại diện Taliban. Cuộc họp kết thúc với việc các quan chức từ cả hai phía phát biểu rằng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, bao gồm kiềm chế các nhóm cực đoan và sơ tán công dân nước ngoài và người Afghanistan. 

Mỹ và nhiều nước khác vẫn tiếp tục kêu gọi Taliban thành lập một chính phủ bao gồm tất cả các bên, đồng thời họ cũng bày tỏ quan ngại về khả năng quay trở lại các chính sách đàn áp như giai đoạn cầm quyền trước đó của nhóm từ 1996 đến 2001. Một số người được lựa chọn hàng đầu vào nội các của Taliban vẫn còn nằm trong danh sách đen của Mỹ và Liên Hợp Quốc. 

Trung Quốc là một trong những nước vẫn duy trì tiếp xúc với Taliban kể từ khi nhóm quân sự lật đổ chính phủ được Mỹ ủng hộ hồi tháng 8 và tuyên bố thành lập một chính thể mới tại Afghanistan. 

Trong cuộc gặp hôm thứ Hai, ông Vương tiếp tục kêu gọi Taliban cắt đứt quan hệ với Phong Trào Hồi Giáo Đông Turkestan (ETIM), nhóm ly khai bị Bắc Kinh buộc tội chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công ở phía bắc Tân Cương, trong khi Mỹ cho rằng nhóm này không tồn tại và là cái cớ để Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Ngân Hà

Xem thêm: