Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đang triển khai máy bay chiến đấu J-20 tối tân nhất của mình tới các khu vực tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Embed from Getty Images

Theo Global Times, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 sẽ bắt đầu triển khai trong các buổi huấn luyện sắp tới.

Một đại tá Trung Quốc tuyên bố, việc triển khai đảm bảo quân đội Trung Quốc “sẵn sàng và có khả năng chiến đấu”.

J-20 ban đầu sử dụng động cơ của Nga, nhưng sau đó được cải tiến và thay thế bằng động cơ sản xuất ở Trung Quốc. Điều này cho phép chính quyền Bắc Kinh có thể sản xuất loại máy bay phản lực này trong nước. Chiến đấu cơ này cũng dường như được thiết kế để cạnh tranh với máy bay F-22 và F-35 của Mỹ.

Trên thực tế, không có nhiều người biết rõ loại máy bay này, thường được gọi là “Mighty Dragon”. Nó được đưa vào sử dụng năm 2017 và là một máy bay chiến đấu tàng hình giống như F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa biết Trung Quốc sẽ sử dụng J-20 như thế nào, cho dù trong vai trò đa nhiệm vụ như F-35 hay trong vai trò chiếm ưu thế trên không như F-22.

Tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, hồi tháng 3 cho hay, một máy bay F-35 của Mỹ đã chạm trán gần với J-20 trên Biển Đông vào năm ngoái, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá xem nó sẽ đóng vai trò thế nào trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.

Ông lưu ý: “Gần đây chúng tôi đã [đụng độ], tôi không gọi đó là một cuộc cuộc giao tranh, nhưng những chiếc F-35 của chúng tôi ở Biển Hoa Đông đã chạm trán tương đối gần với những chiếc J-20, và chúng tôi tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy và điều khiển liên quan đến J-20.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra vô số yêu sách lãnh thổ đối với nhiều vùng khác nhau trên Biển Hoa Đông và Hoa Đông, và thậm chí còn tiến xa đến việc xây dựng các đảo nhân tạo có tiền đồn quân sự để mở rộng dấu chân của mình ở Biển Đông. Do đó, việc triển khai chiến đấu cơ lần này có thể sẽ hỗ trợ cho tham vọng bành trướng của chế độ.

Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng 1 cho thấy, các phương pháp mà ĐCSTQ sử dụng để đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ của mình “không có cơ sở pháp lý nhất quán” theo luật pháp hoặc quy phạm quốc tế.

Việc mở rộng lãnh thổ, và hiện giờ là triển khai máy bay chiến đấu tàng hình J-20, có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ, bởi các chuyên gia cảnh báo chế độ cộng sản là nhân tố có khả năng cao nhất khiến các lực lượng Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột quân sự.

Việc triển khai J-20 cũng có thể được coi là một nỗ lực không ngừng của ĐCSTQ nhằm làm leo thang căng thẳng quân sự và thể hiện sức mạnh quân sự toàn cầu của chính họ. Trước đó, hồi đầu tháng Tư, chế độ ĐCSTQ đã thực hiện một nỗ lực tương tự khi chuyển giao các hệ thống tên lửa mới cho Serbia. Trong dịp đó, 6 máy bay quân sự của Trung Quốc bay qua không phận NATO. 

Tuy nhiên, việc ĐCSTQ đưa J-20 vào khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông đồng nghĩa với việc quân Trung Quốc sẽ triển khai lâu hơn và có các cuộc tuần tra xa hơn. Điều này có thể khiến họ đụng độ gần hơn với quân đội Hoa Kỳ.

Ông Peter Layton, một chuyên gia tại Viện Griffith châu Á ở Úc cho biết, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác sẽ giám sát chặt các chuyến bay tuần tra của Trung Quốc. Các nước cũng sẽ “tích cực thu thập dữ liệu tình báo điện tử” về bất kỳ chiếc J-20 nào trong các chuyến tuần tra ven biển, với hy vọng thu thập thêm thông tin về đặc điểm tàng hình của máy bay, cũng như bất kỳ đường truyền liên kết dữ liệu và vô tuyến nào.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)