Truyền thông Anh tiết lộ, ứng viên vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh (tức Thủ tướng Anh) Liz Truss nếu trúng cử sẽ liệt Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Anh.

Ngoai truong Anh Cac lenh trung phat co the duoc go bo neu Nga rut khoi Ukraine 1
Ngoại trưởng Anh Liz Truss. (Ảnh: Alexandros Michailidis/Shutterstock)

Liz Truss có lập trường cứng rắn với ĐCSTQ

Theo các nguồn tin từ The TimesDaily Mail, nếu Ngoại trưởng đương nhiệm của Anh Liz Truss được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh vào tuần tới, qua đó chiếm số 10 phố Downing (dinh thự Thủ tướng Anh), bà sẽ xem xét lại chính sách đối ngoại của Anh, và sẽ tuyên bố rằng Trung Quốc dưới chế độ của ĐCSTQ gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Vương quốc Anh. Điều này có nghĩa là Anh sẽ ứng xử ngoại giao với Trung Quốc tương tự như đối với Nga.

Lập trường cứng rắn của bà Liz Truss đối với ĐCSTQ sẽ là một phần hạn chế hợp tác kinh tế giữa Bộ Tài chính Anh và Trung Quốc. Lập trường này đã được những người ủng hộ tại Hạ viện Anh, bao gồm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Tom Tugendhat cũng như ngài Iain Duncan Smith là cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ hoan nghênh.

Thư ký Bắc Ireland ủng hộ bà Truss là Conor Burns cho biết, việc bà Truss phân loại lại Trung Quốc (ĐCSTQ) như “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia là “quan điểm hoàn toàn chính xác”. Ông nói: “Bà ấy không phải là kiểu người vội vàng ký kết một thỏa thuận thương mại hay tuyên bố về một thời kỳ hoàng kim trong quan hệ với Trung Quốc”, “Bà ấy rất kiên định và điềm tĩnh”.

Nam tước Baron Ricketts là Nghị sĩ trung lập tại Hạ viện Anh cũng đồng ý rằng ĐCSTQ là “mối đe dọa thực sự đối với thế hệ tiếp theo”, nhưng ông cảnh báo rằng cần phải có đối sách “tinh tế” hơn. Nghị sĩ trung lập từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Thủ tướng David Cameron ở Phố Downing này cho rằng ĐCSTQ là mối đe dọa thực sự đối với thế hệ tiếp theo, còn Nga chỉ là vấn đề nguy cơ ngắn hạn trước mắt. Việc tập trung vào ĐCSTQ là hoàn toàn chính xác, “Bà ấy (Truss) hoàn toàn đúng khi coi Trung Quốc là một vấn đề lớn”.

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng Anh của ông Cameron, chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới London trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2015 đã đưa quan hệ hai nước bước vào thời kỳ “hoàng kim”.

Bà Truss và ông Sunak đặt câu hỏi về chính sách Trung Quốc của nhau

Một nguồn tin chiến dịch của bà Liz Truss cho biết, Vương quốc Anh đã có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc kể từ khi bà Truss trở thành ngoại trưởng. Nếu bà ấy trở thành thủ tướng thì Vương quốc Anh sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn. “Bà ấy đã tích cực nhấn mạnh lo ngại về sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc, kêu gọi hợp tác với G7 và các đồng minh khác để đầu tư vào các nước thu nhập thấp và trung bình nhằm chống lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ”.

Có thông tin cho rằng nhiệm kỳ cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (đối thủ của bà Liz Truss) đã tiếp cận thỏa thuận kinh tế mới với ĐCSTQ.

Lập trường đối với ĐCSTQ đã trở thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử giữa bà Truss và ông Sunak. Bản thân ông Rishi Sunak cũng tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn chống lại ĐCSTQ nếu ông trở thành thủ tướng, sẽ đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử dạy tiếng Trung trong các trường học của Anh có liên hệ với ĐCSTQ.

Trước đó ông Sunak đã cáo buộc đối thủ Truss giúp ĐCSTQ thâm nhập vào các trường đại học của Anh. Chiến dịch của ông cho biết, Vương quốc Anh đã bổ sung thêm 9 Viện Khổng Tử khi bà Truss là thư ký giáo dục từ năm 2012 – 2014.