Ngày 18/2, Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công kích ông Joe Biden, một ngày sau khi ông đưa ra phát biểu liên quan tới việc xây dựng hơn 1.000 trại tập trung cho các dân tộc thiểu số tại Quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Embed from Getty Images

Phát biểu tại sự kiện Town hall do CNN tổ chức hôm 16/2, ông Biden tuyên bố rằng việc đưa những người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác vào các trại tập trung là cách thức mà nhà độc tài Tập Cận Bình giúp “thống nhất” đất nước. Về cơ bản, ông Biden tuyên bố rằng ông đã trừng phạt ông Tập về hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Dù vậy, các bình luận chỉ mang tính chiếu lệ và ông Tập “hiểu” rằng về mặt chính trị, đơn giản là ông Biden có nghĩa vụ phải đề cập đến vấn đề này.

Theo ước tính của Chính phủ Hoa Kỳ đến năm 2020, có khoảng 2 triệu người hiện vẫn bị giam giữ trong hệ thống trại tập trung của Trung Quốc. Những người sống sót trong các trại này đã làm chứng cho những hành vi đàn áp nhân quyền tàn bạo của chính quyền cộng sản, bao gồm tra tấn, cưỡng hiếp, mổ cướp nội tạng sống, tẩy não và lao động nô lệ. 

Trong một bài báo của BBC gần đây, các nhân chứng đã tố cáo việc lính canh người Hán sử dụng roi điện để cưỡng hiếp phụ nữ và đồng thời sốc điện họ. Một số phụ nữ còn cho biết, họ buộc phải trói những phụ nữ khác lên giường để những người đàn ông vốn không quen biết có thể đến trại tập trung hàng đêm và tiến hành cưỡng hiếp tập thể. Nhiều bằng chứng cũng đã tiết lộ việc cưỡng bức triệt sản và phá thai đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, một thủ đoạn mà các chuyên gia pháp lý quốc tế coi là một hình thức diệt chủng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố, các trại tập trung là “trung tâm dạy nghề” cho những người không được đào tạo bài bản, và rằng tất cả những nhân chứng khẳng định bị lạm dụng đều là diễn viên được thuê nhằm bôi nhọ chính quyền.

Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố những tội ác mà ĐCSTQ gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội diệt chủng. Đánh giá này cũng được Ngoại trưởng đương nhiệm Antony Blinken công khai đồng thuận. Tuy nhiên, nhận định mới đây của ông Biden dường như lại đang biện minh cho chính quyền Trung Quốc, khi cho rằng đó là những biện pháp cần thiết để giúp “thống nhất” đất nước.

“Nếu quý vị biết bất cứ điều gì về lịch sử Trung Quốc, thì vẫn luôn là như vậy, thời điểm mà Trung Quốc trở thành nạn nhân của thế giới bên ngoài là khi họ chưa thống nhất trong nước.  Vì vậy, có vẻ phóng đại quá mức, nhưng nguyên tắc trọng tâm của ông Tập Cận Bình là phải có một Trung Quốc thống nhất và được kiểm soát chặt chẽ.” Ông Biden nói với người dẫn chương trình Anderson Cooper của CNN hôm thứ Ba (16/2) khi trả lời câu hỏi về chính sách đối với việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.Và ông ấy sử dụng lý do của mình cho những việc ông ấy làm dựa trên điều đó.”

Ông Biden còn khẳng định: “Về mặt văn hóa, có những chuẩn mực khác nhau mà mỗi quốc gia và các nhà lãnh đạo của quốc gia đó phải tuân theo.”

Phát ngôn của ông Biden có thể nói là tương hợp với tuyên truyền của ĐCSTQ, trong đó tô vẽ Đảng như là tổ chức duy nhất có khả năng nâng đỡ Trung Quốc và giành lại vị thế quốc gia lãnh đạo ưu việt trên trường quốc tế.

Ông Biden nói với người dẫn chương trình Cooper rằng ông đã nêu vấn đề này với ông Tập, nhưng điều đáng nói là ông làm điều đó bởi lo ngại có thể mất sự ủng hộ chính trị nếu không làm vậy. Ông Biden so sánh nghĩa vụ được cho là của ông Tập trong việc đưa người dân vào trại tập trung với nghĩa vụ của chính bản thân ông là cần phải lên tiếng về điều đó.

Sau phát biểu được đánh giá là khá thân thiện với chính quyền Trung Quốc của ông Biden, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nước này đã đăng một bài viết gay gắt, chỉ trích ông Biden đang tiến hành âm mưu bất chính hòng hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong Nhóm G7, dự kiến sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/2. Tờ báo cáo buộc ông Biden vận dụng chiêu thức “bình cũ rượu mới”, dù trên bề mặt biểu hiện sự tử tế hơn nhưng bản chất thì vẫn áp dụng các chính sách chống ĐCSTQ của Tổng thống Trump.

“Diện mạo được ‘dàn dựng’ trong cuộc họp G7 phản ánh bản chất của Đảng Dân chủ: mềm mại bên ngoài trong khi cứng rắn bên trong,” tờ Global Times dẫn lời một “chuyên gia”, người đã từng tuyên bố rằng đảng của ông Biden có ý định “bao vây Trung Quốc”. Tuy nhiên, tờ báo này không đưa ra bất cứ ví dụ cụ thể nào.

Một trong những chuyên gia được tờ báo nhắc đến, ông Wang Yiwei, tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào của ông Biden nhằm thuyết phục các quốc gia khác phản đối hành vi đàn áp nhân quyền tàn bạo ở Trung Quốc đều sẽ thất bại. Ông này lập luận “không phải tất cả họ đều coi Trung Quốc là ‘kẻ thù’, chẳng hạn như Pháp và Đức. Ngay cả Nhật Bản, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á cũng có thể không coi Trung Quốc là ‘kẻ thù’”.

China Daily, một cơ quan tuyên truyền khác của ĐCSTQ, cũng công kích Ngoại trưởng Blinken, nhân vật duy nhất thẳng thắn lên án những hành vi tàn bạo nhân quyền của Trung Quốc trong chính quyền Biden tính đến nay. Tờ báo đã nhằm vào việc ông Blinken tổ chức một cuộc họp với các đối tác ở Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, còn gọi là nhóm Bộ Tứ.

Dưới chính quyền Trump, Bộ Tứ đã chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của nhóm để đối đầu lại với sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm các tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như tranh chấp thương mại với Úc. Ngoại trưởng khi đó là ông Pompeo cũng đã tích cực công du tới các nước lân cận khác và khuyến khích họ gia nhập nỗ lực xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Bài xã luận trên China Daily hàm ý rằng, chính quyền Biden thực chất không thay đổi nhiều về chính sách đối kháng với ĐCSTQ so với chính quyền Trump. “Chính quyền Biden đã nắm lấy cái bay từ người tiền nhiệm của họ và đang trát vữa vào những viên gạch nhằm xây dựng một bức tường chắn sóng để bảo vệ ảnh hưởng và quyền bá chủ trong khu vực.”

Tờ báo còn đưa ra lời khuyên: “Nếu Washington thực sự muốn tránh khỏi xung đột, thì điều mà họ cần là phải dừng những gì họ đang làm và hủy bỏ những gì họ đã làm.”

Các cuộc tấn công trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy rằng việc ông Biden biện hộ thay cho Bắc Kinh về những hành vi mà chính quyền Trump gọi là tội ác diệt chủng đã không thay đổi được chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Bản thân chính quyền Trung Quốc không hề công nhận hoặc thừa nhận hành vi tàn bạo của họ ở Tân Cương. Hồi tháng trước, sau khi ông Blinken đồng thuận với cựu Ngoại trưởng Pompeo rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đáp trả bằng cách liên tục khẳng định: “Trung Quốc không có tội ác diệt chủng.”

Thế nhưng, bằng chứng về việc ĐCSTQ đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kyrgyzstan cùng một số cộng đồng thiểu số khác ở Tân Cương đã tăng lên rất nhiều kể từ những báo cáo ban đầu về việc xây dựng các trại tập trung vào năm 2017. Đáng chú ý nhất là bài báo đăng lên BBC hôm 3/2 vừa qua.

Cô Tursunay Ziawudun, một người sống sót trong trại tập trung, nói với BBC rằng phụ nữ bị hãm hiếp “hàng đêm” và họ sẽ nghe tiếng la hét trong khi chờ đến lượt mình. Cô cho biết cô đã bị hãm hiếp bằng roi điện và bị cắn khắp thân thể. Cô nói: “Họ (nhân viên đặc vụ) không chỉ hãm hiếp mà còn cắn khắp người [nạn nhân], không biết được họ là người hay động vật nữa… Họ không chừa một chỗ nào trên thân thể, họ cắn khắp nơi để lại những vết hằn khủng khiếp. Thật ghê sợ khi nhìn vào [những vết hằn này).”

Cô Qelbinur Sedik, một người dân tộc thiểu số Uzbekistan, nói với BBC rằng cô đã chứng kiến bốn loại tra tấn bằng điện: “ghế [điện], găng tay [điện], mũ [điện] và cưỡng hiếp hậu môn bằng gậy [điện].”

Một nhân chứng khác, cô Gulzira Auelkhan, một phụ nữ Kazakhstan, nói với BBC rằng cô bị ép buộc cởi quần áo của nạn nhân và kiềm chế  họ trước khi họ bị tấn công.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những thông tin này và cấm đài BBC trên sóng của quốc gia, gọi đây là một mối đe dọa “an ninh quốc gia”.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm