Ngày 29/12, TSMC đã tổ chức lễ mở rộng nhà máy và sản xuất hàng loạt chip 3nm tại cơ sở xây dựng mới ở Công viên Khoa học Đài Nam.

shutterstock 2205772543
Nhà máy của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học và Công nghệ Đài Trung, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Jack Hong / Shutterstock)

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, ngày 29/11 TSMC đã tổ chức lễ mở rộng nhà máy và sản xuất hàng loạt chip 3nm. Ông Lưu Đức Âm (Mark Liu), Chủ tịch TSMC, cho biết hiệu suất của quy trình 3nm của TSMC có thể so sánh với quy trình sản xuất hàng loạt 5nm. Đây là công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất thế giới và có thể áp dụng cho đám mây, mạng tốc độ cao và thiết bị di động, nhu cầu thị trường rất lớn. Ước tính rằng sản xuất hàng loạt 3nm sẽ giúp đưa ra các sản phẩm đầu cuối trị giá 1.500 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm, đóng góp của nó vào doanh thu sẽ lớn hơn so với 5nm trong cùng thời kỳ [5 năm].

Ông Lưu Đức Âm chỉ ra rằng nhà máy wafer Fab 18 Đài Nam là trung tâm sản xuất quan trọng cho 5nm và 3nm của TSMC, và tổng vốn đầu tư sẽ đạt 1.860 tỷ Đài tệ, sẽ tạo ra hơn 11.300 cơ hội việc làm công nghệ cao. Ngoài việc nhà máy bước vào giai đoạn mở rộng thứ 8, giai đoạn 2 của nhà máy tại Mỹ cũng sẽ được đồng bộ mở rộng nhằm củng cố lòng tin của khách hàng và gia tăng đà tăng trưởng.

Ông nhấn mạnh rằng TSMC sẽ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ, đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển sâu rộng ở Đài Loan. Ông ước tính trung tâm R&D của TSMC tại Công viên Khoa học Hsinchu (Tân Trúc) sẽ chính thức khai trương vào quý 2 năm sau, với 8.000 nhân viên R&D tại đó; các nhà máy sản xuất chip 2nm sẽ được đặt tại Công viên Khoa học Hsinchu và Đài Trung.

Khi ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), người sáng lập TSMC, tiết lộ sẽ thành lập một nhà máy 3nm ở Mỹ trong tương lai, ông đã bị nghi ngờ là “phi Đài Loan hóa”. Tuy nhiên, Phó viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan Thẩm Vinh Tân (Shen Jong-chin), cho biết trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ: “TSMC tiếp tục đầu tư vào Đài Loan, đặc biệt là để quy trình sản xuất tiên tiến ở lại Đài Loan, xua tan những tin đồn về việc phi Đài Loan hóa chất bán dẫn.”

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) cũng cho biết sẽ không có vấn đề phi Đài Loan hóa, và nguồn gốc sâu xa của TSMC tại Đài Loan không thể tách rời khỏi văn hóa chuỗi cung ứng. TSMC không chỉ có công nghệ xuất sắc mà còn có một nhóm chuỗi cung ứng lớn, các kỹ sư xuất sắc và sự hỗ trợ của chính phủ. TSMC không chỉ là niềm tự hào của Đài Loan, mà còn là “con dê đầu đàn” quan trọng trong hợp tác của Đài Loan với thế giới.

Ngoài ra, ông Thi Chấn Vinh (Stan Shih), người sáng lập Tập đoàn Acer, đã đưa ra một thông cáo báo chí thông qua Quỹ StanShih (StanShih Foundation) của mình. Thông cáo chỉ ra hầu hết mọi người lo lắng về việc phi Đài Loan hóa vì họ chỉ nhìn thấy các giá trị nhìn thấy được hữu hình, trực tiếp và hiện tại, nên cảm thấy rằng ngành sản xuất đang bị chuyển ra nước ngoài. Nhưng từ góc độ giá trị ẩn gián tiếp, vô hình và trong tương lai, các doanh nhân Đài Loan đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng đáng kể của họ ở nước ngoài và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Ông lấy Acer làm ví dụ, vì thương hiệu Acer có ý nghĩa đặc biệt ở Đài Loan, và ông kêu gọi mọi người đừng lo lắng rằng việc doanh nhân Đài Loan triển khai hoạt động ở nước ngoài là “phi Đài Loan hóa”. Thực ra ngược lại, đó là sự vươn dài sức mạnh quốc gia Đài Loan, chỉ thông qua doanh nghiệp thì Đài Loan mới có cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra các nước trên thế giới.