Một ngày trước ngày 25/4 – kỷ niệm 106 năm người Armenia bị Đế chế Ottoman đuổi cùng diệt tận, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công nhận tội ác của Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) đối với người Armenia là “tội diệt chủng”. Trong nhiều thập kỷ qua, các đời tổng thống Mỹ đều tránh sử dụng từ “diệt chủng” trong các hoạt động kỷ niệm ngày 25/4.

Embed from Getty Images

Từ một năm trước, ngày 25/4/2020, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2020, ông Joe Biden đã hứa sẽ công nhận những sự kiện khởi phát từ năm 1915 là nỗ lực có chủ ý nhằm diệt tận người Armenia.

Mặc dù các đời tổng thống Mỹ trước đó cũng đã đưa ra các phản ứng chia buồn với người dân Armenia nhân các dịp kỷ niệm ngày 25/4 hàng năm, nhưng họ đã cố tình tránh nhắc đến từ “diệt chủng” do lo ngại rằng tuyên bố như vậy sẽ làm phức tạp mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ – một đồng minh NATO và thế lực quan trọng tại khu vực Trung Đông.

Ông Biden trong chiến dịch tranh cử năm ngoái đã hứa sẽ đặt vấn đề nhân quyền làm định hướng trung tâm trong chính sách đối ngoại của ông. Ông lập luận rằng nếu không gọi những hành động tàn ác chống lại người dân Armenia là tội diệt chủng, thì sẽ mở đường cho các hành động tàn ác quy mô lớn trong tương lai. AP dẫn một ước tính cho biết có 2 triệu người Armenia đã bị trục xuất và 1,5 triệu người Armenia nữa đã bị giết hại trong các sự kiện bạo lực mà Đế chế Ottoman gây ra trong đầu thế kỷ 20 và được biết đến là chuỗi sự kiện Metz Yeghern.

Phát biểu trong tuyên bố hôm thứ Sáu (24/4), ông Biden cho hay: “Người dân Mỹ tôn trọng tất cả những người Armenia đã thiệt mạng trong cuộc diệt chủng bắt đầu vào một ngày cách hôm nay 106 năm. Chúng tôi xác nhận lịch sử này. Chúng tôi làm điều này không phải để đổ tội mà là để đảm bảo những điều như thế không bao giờ lặp lại”.

Các nhà lập pháp và các nhà hoạt động người Mỹ gốc Armenia thời gian qua đã tiến hành các hoạt động vận động hành lang để chính quyền Biden tuyên bố công nhận tội ác diệt chủng người Armenia vào trong hoặc trước ngày tưởng niệm 25/4.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ, bang California) than phiền rằng “sự thật về những tội tàn ác này thường bị bác bỏ, [các hành vi quái thai tà ác] đã bị tối thiểu hóa”.

Lịch sử dạy chúng ta rằng nếu chúng ta phớt lờ những chương đen tối của nó, thì chúng ta sẽ được vận mệnh an bài cho phải chứng kiến những nỗi kinh hoàng quá khứ đó lặp lại”, bà Pelosi nói thêm.

Dân biểu Adam Schiff (Đảng Dân chủ, bang California), đã hoan nghênh ông Biden giữ được lời hứa tranh cử.

Đối với những người Mỹ gốc Armenia và mọi người dân tin vào nhân quyền và sự thật, ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc mang tính lịch sử: Tổng thống Biden đã bất chấp các mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ và đã công nhận kẻ lạm sát 1,5 triệu người Armenia phạm tội danh đúng như nó phải thế – tội ác diệt chủng đầu tiên của Thế kỷ 20”, ông Schiff nói trong một tuyên bố phát đi hôm 24/4.

Ông Salpi Ghazarian, giám đốc Viện Nghiên cứu Armenia của Trường Đại học Nam California, đã nói rằng việc công nhận tội ác diệt chủng sẽ tạo ra tiếng vang vượt quá Armenia và nhấn mạnh sự nghiêm túc của ông Biden về cam kết sẽ coi nhân quyền là nguyên tắc trung tâm trong chính sách đối ngoại của ông.

Các quan chức Thổ Nhĩ kỳ đã lập tức lên tiếng chỉ trích tuyên bố của ông Biden, trong khi phía Armenia đã tán dương vị tổng thống Mỹ đương nhiệm vì đang làm điều mà họ gọi là động thái có nguyên tắc.

Người dân Armenia và người Armenia trên toàn thế giới đã cảm nhận được sự đồng cảm tuyệt vời và đã hoan nghênh thông điệp của ông… Việc thừa nhận Tội ác Diệt chủng người Armenia không chỉ là bày tỏ sự kính trọng đối với 1,5 triệu nạn nhân vô tội, mà còn góp phần ngăn chặn lặp lại những tội ác chống lại nhân loại tương tự”, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trong bức thư gửi Tổng thống Biden.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi phản đối và lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ về những sự kiện năm 1915, [ông Biden đưa ra tuyên bố này] dưới áp lực từ bộ sậu người Armenia cực đoan và các nhóm chống Thổ nhĩ Kỳ”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu viết trên Twitter rằng “ngôn từ không thể thay đổi được lịch sử hay viết lại lịch sử”, và khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ “bác bỏ hoàn toàn” tuyên bố của ông Biden.

Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, viết trên Twitter rằng ông Biden đang lặp lại “lời lẽ vu khống của các nhóm mà nghị trình duy nhất của họ là thù địch với đất nước chúng tôi”. Ông Kalin viết thêm: “Chúng tôi khuyến nghị rằng Tổng thống Mỹ nên tự kiểm tra lại lịch sử và hôm nay”.

Cũng trong ngày thứ Sáu (24/4), ông Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. AP dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng trong cuộc điện đàm này, ông Biden đã thông báo cho ông Erdogan về việc ông sẽ công nhận tội diệt chủng người Armenia.

Trong những tuyên bố riêng rẽ của các chính phủ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo đều không đề cập đến việc chính phủ Mỹ sẽ công nhận tội diệt chủng người Armenia. Nhà Trắng nói rằng ông Biden đã nói với ông Erdogan rằng ông muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và tìm cách “quản lý hiệu quả những bất đồng”. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ tổ chức cuộc họp song phương tại hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến sẽ diễn ra tại Brussels vào tháng Sáu tới.

Cuộc gọi của ông Biden với ông Erdogan hôm 24/4 là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này sau hơn 3 tháng ông Biden bước vào nhiệm sở. Ankara đã coi sự trì hoãn này là dấu hiệu đáng quan ngại. Ông Erdogan đã có mối quan hệ cá nhân tốt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và đã hy vọng sẽ tái thiết lại mối quan hệ với ông Biden cho dù hai người đã có những bất đồng trong quá khứ.

Ông Biden, trong chiến dịch tranh cử, đã vấp phải sự chỉ trích gây gắt từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sau một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Biden đã nói về việc ủng hộ phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ chống lại ông Erdogan “chuyên quyền”.

Năm 2019, ông Biden đã cáo buộc ông Trump phản bội các đồng minh của Mỹ, sau khi Tổng thống thứ 45 quyết định rút lính Mỹ khỏi miền bắc Syria, từ đó mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào nhóm người Kurd tại Syria.

Năm 2014, ông Biden khi còn giữ cương vị phó tổng thống trong chính quyền Obama đã phải gửi lời xin lỗi ông Erdogan vì trong một bài phát biểu đã nói Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện giúp nhóm khủng bố IS phát triển thông qua việc cho phép các chiến binh nước ngoài được băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giáp với Syria.

Đức Thiện (Theo AP và Reuters)

Xem thêm: