Hôm 19/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông chuẩn bị cử các tàu quân sự đến để “đưa ra yêu sách” về tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản ở Biển Đông, nhưng lưu ý rằng việc thách thức Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp sẽ chỉ dẫn đến bạo lực.

Embed from Getty Images

“Nếu chúng tôi đến đó để khẳng định quyền tài phán của mình, thì điều đó sẽ có thể dẫn đến đổ máu”, ông Duterte nói trong một cuộc họp ngắn trên truyền hình vào cuối ngày thứ Hai. Đây là phát biểu đầu tiên của ông sau khi hàng trăm tàu ​​Trung Quốc bị phát hiện gần đá Ba Đầu hồi tháng Ba.

“Bây giờ tôi không còn hứng thú lắm với việc câu cá. Tôi không nghĩ có đủ cá để chúng ta phải cãi nhau”, ông nói và cho biết thêm rằng nếu các cuộc tranh chấp tài nguyên biển xảy ra trong tương lai, ông sẽ cử “5 tàu tuần duyên và chúng có thể đuổi theo … Chúng có thể vờn nhau và xem ai nhanh hơn”.

“Nhưng khi chúng tôi bắt đầu khai thác, khi chúng tôi bắt đầu lấy được bất cứ thứ gì trong lòng biển, dầu của chúng tôi… vào thời điểm đó, tôi sẽ điều các tàu màu xám của mình đến đó để đưa ra yêu sách,” ông nói, đề cập đến tàu của Hải quân Philippines. 

“Nếu họ [Trung Quốc] bắt đầu khoan dầu ở đó, tôi sẽ nói với Trung Quốc, đó có phải là một phần trong thỏa thuận của chúng ta không? Nếu đó không phải là một phần trong thỏa thuận của chúng ta, tôi cũng sẽ khoan dầu ở đó,” ông nói. “Nếu họ lấy được dầu, đó sẽ là lúc chúng ta nên hành động.”

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã tìm cách xây dựng liên minh với Trung Quốc và không muốn đối đầu với Bắc Kinh. Ông đã được hứa cho vay hàng tỷ đô la để đầu tư, mặc dù phần lớn trong số đó vẫn chưa thành hiện thực.

Ông đã nhiều lần nói rằng Philippines đã “bất lực” trong việc ngăn chặn Trung Quốc và việc thách thức các hoạt động của họ có thể dẫn đến một cuộc chiến mà đất nước của ông sẽ thua.

Philippines đã đệ trình một số phản đối ngoại giao trước việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu dân quân biển đến bãi Ba Đầu ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng đây chỉ là các “tàu cá” đang “tránh gió” tại “ngư trường truyền thống hàng ngàn năm” của Trung Quốc.

Gia Huy (theo Reuters)

Xem thêm: