Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư 23/12 (giờ Mỹ) đã phủ quyết dự luật chính sách quốc phòng hàng năm mà trước đó đã được đa số áp đảo các nhà lập pháp lưỡng viện thông qua. Ông Trump đưa ra nhiều lý do để giải thích cho quyết định phủ quyết của mình, trong đó nhấn mạnh dự luật này là ‘món quà cho Trung Quốc và Nga’.

Embed from Getty Images

Dự luật chính sách quốc phòng hàng năm với tên chính thức là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) đã được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu đa số áp đảo tán thành vào đầu tháng này. 

Dự luật này xác nhận tăng 3% lương cho binh lính Mỹ và duyệt chi hơn 740 tỷ USD cho các chương trình quân đội.

Tuy nhiên, dự luật đã không đáp ứng được một số yêu cầu của Tổng thống Trump. Ông chủ Tòa Bạch Ốc đưa ra một loạt các lý do giải thích cho việc phủ quyết NDAA: 

  • Dự luật đã không đưa vào điều khoản thay đổi Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act), cho dù nhiều nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều kêu gọi xóa bỏ Điều 230 được coi là ‘tấm khiên’ bảo vệ các mạng truyền thông xã hội.  
  • Tổng thống nói rằng NDAA trực tiếp chống lại các lập trường chính sách đối ngoại của ông, cụ thể là những nỗ lực rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, Hàn Quốc và Đức.
  • Tổng thống cũng không đồng tình với việc NDAA mở đường cho phép đổi tên một số căn cứ quân sự mang ý nghĩa lịch sử gắn với các lãnh đạo Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ.
  • Tổng thống tuyên bố chiến thắng lớn nhất của việc NDAA 2021 được thông qua là thuộc về Trung Quốc.

Trong tuyên bố phát đi hôm 23/12, ông Trump cho hay: “Thật không may, Đạo luật này không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia tối quan trọng, [nhưng lại có] những điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội ta, và đi ngược lại những nỗ lực của Chính phủ của tôi trong việc đặt nước Mỹ lên trên hết trong các hành động liên quan đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Đó là ‘món quà’ cho Trung Quốc và Nga”.

Tổng thống Trump từ ngày nhậm chức đã phủ quyết 8 dự luật và đều thành công bởi vì số nghị sĩ ủng hộ các dự luật đó không đủ 2/3 để bác phủ quyết của tổng thống.

Tuy nhiên, với NDAA 2021 thì khác, lưỡng viện Mỹ đã thông qua dự luật chính sách quốc phòng này với đa số áp đảo và có đủ số lượng nghị sĩ của cả hai viện để có thể bỏ phiếu bác phủ quyết của Tổng thống Trump.

Sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ phủ quyết NDAA, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (bang Kentucky) nói rằng ông đã chuẩn bị để bác phủ quyết của tổng thống. 

Đầu tuần này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune (bang Nam Dakota) – nhân vật quyền lực thứ hai của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, đã nói rằng tiến trình bác phủ quyết của ông Trump có thể mất vài ngày. 

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul (bang Kentucky) vốn là người bỏ phiếu chống NDAA 2021, đã nói rằng ông sẽ cố gắng làm chậm tiến trình bỏ phiếu nhằm bác phủ quyết của Tổng thống Trump tại Thượng viện.

Tôi cực lực phản đối chiến tranh Afghanistan, và tôi đã nói với họ tôi sẽ quay lại để ngăn chặn họ dễ dàng bác phủ quyết của tổng thống”, Thượng nghị sĩ Rand Paul nói.

Xuân Thành

Xem thêm: