Theo Thiếu tướng Ferdinand Stoss, Giám đốc kế hoạch và chính sách của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, quốc gia này đang phải cạnh tranh đồng thời với hai cường quốc hạt nhân ngang hàng, khi Trung Quốc và Nga không ngừng phát triển và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ferdinand Stoss
Thiếu tướng Ferdinand Stoss (Ảnh: U.S. Air Force, Public domain, via Wikimedia Commons)

“Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy được sự đồng đẳng hạt nhân ba bên như vậy,” ông Stoss nhận định, theo Air Force Magazine. “Và trong lịch sử chúng ta chưa từng có tiền lệ này. Điều này thực sự mang tính sử thi.”

Bình luận nêu trên được đưa ra trong cuộc trò chuyện về hiện đại hóa năng lực răn đe hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh thường niên về răn đe hạt nhân ở Washington, D.C.

Những nhận xét này nhấn mạnh sự lo lắng ngày càng tăng về chính quyền Trung Quốc và những nỗ lực không ngừng của họ để trở thành một đối thủ đồng đẳng về hạt nhân của Hoa Kỳ và Nga.

Chính quyền cộng sản của Trung Quốc đang tham gia vào một chương trình hiện đại hóa quân sự có hệ thống, trong đó có việc thúc đẩy nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân quốc gia.

Các hình ảnh vệ tinh được tiết lộ vào mùa hè năm ngoái cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng hơn 100 hầm chứa mới cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở vùng Tây Bắc nước này, và Lầu Năm Góc đã cảnh báo Trung Quốc có thể sở hữu hơn 1.000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030.

Thiếu tướng Stoss, người chịu trách nhiệm phát triển các kế hoạch chiến tranh chiến lược và các phương án dự phòng của Lầu Năm Góc nhìn nhận, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã không xử lý toàn diện sự phân nhánh cán cân quyền lực mới và điều đó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động trong tương lai.

Thêm nữa, ông nói rằng mối đe dọa tổng hợp từ Nga và Trung Quốc là do Hoa Kỳ liên tục đầu tư không đủ vào các nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân của mình.

Liên quan đến các nỗ lực hiện đại hóa của quốc gia, ông Stoss khẳng định Hoa Kỳ đã “thừa nhận”“chấp nhận những rủi ro này”.

Nhận xét của ông Stoss lặp lại quan điểm trước đây của bà Patty-Jane Geller, một nhà phân tích chính sách của Quỹ Di sản (Heritage Foundation).

“Người Mỹ nên hiểu rằng các mối đe dọa hạt nhân không phải là di tích của Chiến tranh Lạnh,” bà Geller lưu ý hồi tháng 11/2021. “Khi Trung Quốc mở rộng kho vũ khí để trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang hàng về hạt nhân với Hoa Kỳ và Nga, thì Hoa Kỳ sẽ phải tìm cách để răn đe hai nước đồng cấp về hạt nhân cùng một lúc, điều mà chúng ta chưa từng phải tiến hành trong lịch sử của mình.”

Trong hai mối đe dọa đó, ông Stoss cho rằng mối đe dọa từ Nga có thể sắp diễn ra ngay trước mắt, nhưng chế độ Trung Quốc cũng đang phát triển theo cách có thể cho phép họ vượt ra khỏi các giới hạn chiến lược chưa từng có.

“Chắc chắn, để có được loại hình đột phá này và những khả năng mà họ đưa vào hoạt động sẽ khiến họ mất nhiều năm để lên kế hoạch, phát triển và sau đó thực sự bắt tay vào xây dựng,” ông Stoss cho hay.

“Tại sao họ lại thực hiện bước đột phá chiến lược này? Chúng ta không biết chính xác… Nhưng, các bạn biết đấy, có lẽ đây chỉ là đặt thêm một viên gạch nữa vào bức tường nhằm củng cố khả năng của họ để đóng một vai trò mạnh mẽ hơn nhiều, chắc chắn là trong khu vực và trên toàn thế giới, và họ nghĩ rằng họ cần nền tảng hạt nhân này.”

Ông Stoss còn cho biết, sự trỗi dậy của một thế giới đa cực với hơn hai cường quốc hạt nhân lớn sẽ chấm dứt khả năng của Hoa Kỳ trong việc kiểm soát mức độ bạo lực hiện có trong các khu vực xung đột riêng lẻ, do đó làm tăng nguy cơ xung đột nói chung.

“Hiện nay, cả Nga và Trung Quốc đều có khả năng đơn phương leo thang bạo lực ở bất kỳ cấp độ nào, trên bất kỳ lãnh thổ nào, ở bất kỳ vị trí địa lý nào… và họ hoàn toàn có thể làm vậy tại thời điểm mà họ lựa chọn,” ông Stoss kết luận.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: