Người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi viết trên Ukrinform rằng phương Tây không loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xâm lược đang diễn ra.

Trong một bài xã luận mà trang web này đăng tải hôm 7/9, tướng Zaluzhnyi nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nên chuẩn bị cho những gì mà ông và đồng tác giả – Trung tướng Mykhailo Zabrodskyi mô tả là một “cuộc xung đột hạt nhân giới hạn” theo âm mưu của Điện Kremlin.

Họ lập luận: “Các trận chiến trên lãnh thổ Ukraine đã chứng tỏ Liên bang Nga bỏ qua các vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu như thế nào, ngay cả trong một cuộc chiến tranh thông thường.”

“Đặc biệt, kể từ tháng 7/2022, quân đội Nga đã thiết lập một căn cứ quân sự tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, triển khai pháo hạng nặng, bao gồm cả bệ phóng tên lửa BM-30 Smerch, trong chính khuôn viên nhà máy,” họ lưu ý thêm.

Hai ông Zaluzhnyi và Zabrodskyi tiếp tục kêu gọi Hoa Kỳ và EU lên kế hoạch sẵn sàng đối phó trước một cuộc tấn công hạt nhân giả định của Nga, nếu họ có được thông tin tình báo chứng minh những lo ngại về vấn đề này.

Quan ngại của hai tác giả này không hoàn toàn là không có cơ sở. Hồi đầu tháng 7, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã xuất hiện để đe dọa các cường quốc phương Tây vốn ủng hộ tòa án tội ác chiến tranh quốc tế.

“Ý tưởng trừng phạt một quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất là vô lý và có khả năng tạo ra mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhân loại,” ông Medvedev, một đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin nhận xét, theo The Moscow Times.

Hơn nữa, việc Nga tiếp tục đóng quân bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cùng với các cuộc pháo kích trả đũa của Ukraine gần nhà máy đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

Tuần này, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang kêu gọi thiết lập một “khu vực bảo vệ an ninh” bên trong và xung quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia sau khi đến thăm địa điểm này.

“Các cuộc pháo kích đang diễn ra chưa gây ra tình trạng khẩn cấp hạt nhân, nhưng nó tiếp tục thể hiện mối đe dọa thường xuyên đối với an ninh và an toàn hạt nhân,” IAEA nêu trong báo cáo được tổng hợp từ các dữ liệu mà cơ quan này thu thập từ chuyến thăm Zaporizhzhia tuần trước.

Theo IAEA, việc pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia cũng như các khu vực lân cận phải “dừng lại ngay lập tức để tránh bất cứ thiệt hại nào thêm cho nhà máy và các cơ sở liên quan, vì sự an toàn của nhân viên vận hành và duy trì tính toàn vẹn vật lý để phục vụ hoạt động an toàn”.

Minh Ngọc (T/h)