Hôm thứ Sáu tuần trước, tòa nhà chọc trời 101 tầng biểu tượng của Đài Bắc đã bật sáng để cám ơn Nhật Bản vì nhanh chóng hỗ trợ 1,24 triệu liều vắc-xin AstraZeneca sau một vòng đàm phán bí mật.

Hàng nghìn người Đài Loan cũng lên mạng truyền thông xã hội để cảm ơn Nhật Bản trong bối cảnh người dân lo lắng về cách Đài Loan ngăn chặn đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. 

Từ chỉ 1.200 trường hợp trong 18 tháng, hiện nay Đài Loan đã có hơn 10.000 trường hợp. Dù thấp so với các khu vực khác ở Đông Á, việc dịch bùng phát đã giáng một đòn mạnh vào sự tự tin của Đài Loan khi nước này thường được ngợi khen trên toàn cầu cho chiến lược ngăn chặn COVID-19 thành công của họ.

Mặc dù đã đặt hơn 20 triệu liều vắc-xin từ COVAX, Moderna và AstraZeneca, nhưng chỉ có vài trăm ngàn liều được chuyển đến Đài Loan trước ngày 4/6.

Vắc-xin của Nhật Bản và việc Mỹ hứa cung cấp thêm 750 nghìn liều khác vào cuối tuần là một sự động viên to lớn, nhưng còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của 23 triệu người Đài Loan.

Khi các ca bệnh và số người tử vong tăng cao nhanh chóng sau đợt bùng phát tháng 5, vấn đề vắc-xin, vốn là một điều hầu như không đáng bàn luận đã trở thành một cuộc khủng hoảng âm ỉ trên cả nước.

Tổng thống Thái Anh Văn, người giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống 1/2020, đã chứng kiến tỷ lệ chấp thuận của bà giảm kỷ lục, từ 71% vào tháng 5 năm ngoái xuống còn khoảng 40% sau gần 12 tháng, theo con số mới nhất từ Đại học Quốc gia Chengchi.

“Trong một năm rưỡi qua, Đài Loan sống trong thế giới riêng của họ. Giờ đây, họ đang thức tỉnh trước thực tế của phần còn lại của thế giới,” Wei-Ting yen, phó giáo sư Đài Loan tại khoa quản lý Đại học Franklin và Marshall, nói.

“Trước ngày 1/5, trong nước không có virus. Rồi bất chợt mọi người buộc phải chung sống với virus, thứ họ ghét cay ghét đắng, vì thế họ muốn vắc-xin để họ có thể sống bình thường lại. Điều này về cơ bản chưa chắc đã đúng, nhưng phe pan-blue (chống bà Thái) đã dựng lên câu chuyện để người dân tin rằng ‘một khi có vắc-xin mọi thứ sẽ tự động hoàn hảo trở lại’,” bà bổ sung.

Trong khi sự tin tưởng và ngờ vực trong chính phủ lên xuống cùng chính sách của Đảng Dân chủ Chính trị (DPP) “xanh lá cây” và Quốc dân đảng (KMT) “xanh da trời”, các đối thủ tiềm năng đều cố chỉ trích nhau để ghi điểm.

Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je, một bác sĩ nội trú được cho là đối thủ đầy tiềm năng cho cuộc bầu cử 2024, đã sử dụng việc dịch bùng phát để chỉ trích chính phủ. Gần đây, ông cũng cáo buộc chính phủ về việc trì hoãn nhập vắc-xin từ nước ngoài để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất vắc-xin trong nước của Đài Loan như Medigen và United Biomedical cùng những người đầu tư cho họ có thể thu được  lợi nhuận.

Cả hai công ty nói vắc-xin nội địa của họ đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng lần thứ hai và sẽ có sẵn vào giữa mùa hè. 

Terry Gou, nhà sáng lập của Foxconn vốn đã thất bại trong nỗ lực trở thành ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng (KMT) năm 2019, đã thu hút sự chú ý trở lại khi ông cam kết mua 5 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioNTech qua Quỹ Từ thiện Yonglin của mình.

Không rõ liệu ông Gou có thành công hay không khi tới nay, chỉ các chính phủ mới có khả năng mua vắc-xin từ các nhà sản xuất. Một sáng kiến tương tự mua vắc-xin từ Johnson&Johnson của Hiệp hội Ánh sáng Phật pháp Quốc tế, một trong những tổ chức Phật giáo lớn nhất ở Đài Loan, cũng đã thất bại.

Trong khi đó, đảng KTM cũng lợi dụng sự giận dữ của dân chúng với việc Đài Loan chậm chạp mua vắc-xin để chỉ trích cả bà Thái lẫn Bộ trưởng Y tế Chen Shih-chung.

Có lẽ điều đáng lo ngại hơn đối với chính phủ là việc tin tưởng vào  Trung tâm Chỉ huy chống Đại dịch Trung ương của Đài Loan (CECC) đã trở thành một vấn đề chính trị khi nó bị quy vào các vấn đề đảng phái.

Tuy nhiên, trong số các cử tri không đảng phái, chiếm khoảng 40% cử tri, “khoảng một nửa vẫn tán thành công việc của CDC mặc dù nhiều người không hài lòng với lượng vắc-xin chính phủ đã chuẩn bị,” Austin Wang, phó giáo sư tại khoa Khoa học Chính trị Đại học Nevada Las Vegas, nói.

Ở một diễn biến khác, Trung Quốc đã bị chính phủ của bà Thái cáo buộc về việc ngăn chặn Đài Loan giao dịch mua vắc-xin Pfizer qua BioNTech của Đức. Bắc Kinh cũng tiếp tục ngăn chặn Đài Loan tham dự các phiên họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên.

Trong khi đó, một tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc tại Bắc Kinh đã đề nghị cung cấp cho Đài Loan 5 triệu liều vắc-xin BioNTech do nhà sản xuất Shanghai Pharmaceutical Fosun của Trung Quốc sản xuất và 5 triệu liều vắc-xin Sinopharm phát triển trong nước.

Trong khi chỉ một thiểu số người Đài Loan chấp nhận vắc-xin Trung Quốc, 56% vẫn cho biết họ sẵn sàng tiếp nhận một loại vắc-xin ngoại nhưng được sản xuất tại Trung Quốc, như loại được sản xuất bởi Shanghai Fosun BioNTech. 

Cuộc thăm dò trước đó cho thấy mặc dù người Đài Loan có thể hồ nghi Trung Quốc,  họ vẫn tin rằng kinh doanh với Trung Quốc là quan trọng, Wang nói điều này đã mở rộng sang cuộc tranh luận về vắc-xin. “Nhiều người không tin Trung Quốc, nhưng họ chấp nhận [BioNTech] với việc các nhà kinh doanh Trung Quốc chỉ đóng vai trò đại lý,” ông nói.

Để lấy lại sự quan tâm của công chúng, bà Thái đã hứa miễn phí tất cả các loại vắc-xin và CECC đã bắt đầu quảng bá nền tảng đặt chỗ để triển khai tiêm vắc-xin, mặc dù còn chưa rõ khi nào điều này sẽ diễn ra trên quy mô toàn quốc.

Gia Huy (theo Nikkei Asia)

Xem thêm: