Công nghệ tên lửa hạt nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng trở thành nguy cơ cho Mỹ, phía Trung Quốc có bước đột phá trong vấn đề này từ những năm 1990 nhờ hoạt động gián điệp đánh cắp từ Mỹ, theo Washington Times ngày 3/1.

shutterstock 1202854330
Một vị khách xem mô hình vũ khí trên không được trưng bày trong Triển lãm Hàng không Trung Quốc lần thứ 15 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. (Nguồn: Testing/ Shutterstock)

Hồi tháng 12/2022, Lầu Năm Góc tiết lộ rằng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ vào năm 2035 sẽ đạt ít nhất 1500 đầu đạn chiến lược, trong khi vài năm trước chỉ có 200 đầu đạn và đến hiện nay là 400 đầu đạn hạt nhân.

Tướng Charles Richard, người đứng đầu sắp mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bành trướng hạt nhân của ĐCSTQ, ông nói với Quốc hội rằng lần đầu tiên lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Một năm trước, tướng Richard nói với Bộ trưởng Quốc phòng Austin rằng ĐCSTQ đã đạt “bước đột phá chiến lược”. Lời của Richard trước Quốc hội vào ngày 5/4/2022 cho biết, “Bước đột phá chiến lược được định nghĩa là sự mở rộng nhanh chóng các năng lực quân sự, cả về chất lượng và số lượng, tạo điều kiện cho sự thay đổi chiến lược và đòi hỏi Bộ Quốc phòng phải ngay lập tức có thay đổi mạnh về kế hoạch và năng lực”.

Chủ tịch Husey của Geostrategic Analysis chuyên nghiên cứu về vấn đề hạt nhân của Trung Quốc cho biết, việc ĐCSTQ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nhà cầm quyền toàn trị này là đáng lo ngại, chủ yếu dựa trên hàng thập kỷ công nghệ của Mỹ mà Bắc Kinh thu được, bao gồm cả việc sử dụng thủ đoạn bất hợp pháp. Ông nói: “Mô tả gần đây của tướng Richard về sự phát triển kinh ngạc lực lượng hạt nhân của ĐCSTQ làm nổi bật hai điều: thứ nhất, tham vọng của Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự thế giới; và thứ hai, vai trò đáng tiếc của việc Mỹ chuyển giao công nghệ hạt nhân phù hợp cho Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho thực trạng tăng trưởng phi thường đó”.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, ngoài việc chi hàng tỷ USD triển khai thêm mới tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm, không có thay đổi trọng đại nào đối với chương trình hiện đại hóa hạt nhân.

Tướng Richard cũng như nhiều quan chức quân sự và quốc phòng khác của Mỹ lo ngại về việc gần đây ĐCSTQ xây dựng 3 căn cứ lớn ở phía tây Trung Quốc, những nơi đó bố trí tới 360 tên lửa đạn đạo liên lục địa mang nhiều đầu đạn.

“Các hầm phóng mới có thể được trang bị CSS-10 Mod 2 cơ động chạy bằng nhiên liệu rắn có khả năng bắn tới lục địa Mỹ”, tướng Richard nói, “Và rõ ràng là quân tên lửa của Trung Quốc (PLARF) sẽ sớm đạt được khả năng hùng mạnh về đạn đạo liên lục địa”.

Ngoài ra báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc cho biết, ĐCSTQ cũng được cho là sẽ triển khai thêm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tên DF-41 tại hầm phóng phía Tây với tầm bắn xa hơn, loại tên lửa này có thể mang tới 3 đầu đạn.

Thay đổi lớn sau 30 năm

Một tài liệu nội bộ của Nhà Trắng từ năm 1993 cho thấy, 30 năm trước lực lượng tên lửa tầm xa của ĐCSTQ chỉ có 7 tên lửa đạn đạo liên lục địa mang một đầu đạn với khả năng chính xác không cao. Đến năm 2000, ĐCSTQ có 24 – 28 tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ, trong đó có một số có thể mang nhiều đầu đạn.

Nhưng hai chương trình của ĐCSTQ từ những năm 1990 nhắm vào công nghệ tiên tiến của Mỹ đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng lực lượng hạt nhân của họ.

– Thứ nhất là chương trình gián điệp quy mô lớn nhằm đánh cắp bí mật về đầu đạn hạt nhân. CIA đánh giá rằng ĐCSTQ đã thông qua hoạt động gián điệp lấy được thông tin về mọi đầu đạn do Mỹ triển khai, đặc biệt là đầu đạn W-88 nhỏ gọn có thể sử dụng trên tên lửa nhiều đầu đạn.

– Thứ hai liên quan đến kiến ​​thức thu thập được từ sự hợp tác không gian giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Clinton, đây là hệ quả của chính sách mới nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ liên quan an ninh quốc gia Mỹ, qua đó cho phép Mỹ hợp tác nhiều hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực không gian. Theo chính sách mới, vào năm 1993 Tập đoàn Motorola và Tập đoàn Công nghiệp Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc đã đồng ý sử dụng tên lửa của Trung Quốc để phóng vệ tinh Iridium. Phía đối tác Trung Quốc đã chế tạo “bộ chia thông minh” theo thông số kỹ thuật của Motorola, cho phép phóng hai vệ tinh trên một tên lửa. Một báo cáo năm 1996 của Trung tâm Tình báo Hàng không Quốc gia Mỹ cho hay, bộ chia thông minh có thể được sử dụng làm bộ đẩy phía sau cho tên lửa liên lục địa DF-5 của Trung Quốc.

Năm 2015, báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng DF-5 từng chỉ mang một đầu đạn thì đã có phiên bản cải tiến với nhiều đầu đạn.

Tướng Richard tin rằng bước đột phá chiến lược của ĐCSTQ nhằm sử dụng trong “chiến lược hạt nhân cưỡng chế” để đe dọa Mỹ và các đồng minh khu vực của Mỹ về các vấn đề như kiểm soát Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Chuyển sang tên lửa nhiều đầu đạn

Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc cho biết quân đội ĐCSTQ sẽ lắp đặt nhiều đầu đạn trên 20 tên lửa DF-5, đồng thời sẽ bổ sung ít nhất 3 đầu đạn cho các tên lửa như DF-31AG và DF-41, cũng như trên tàu ngầm loại mới JL-3.

Giới quan sát có quan điểm cho rằng công nghệ đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ đã có được bệ phóng quan trọng từ chiến dịch gián điệp nhắm vào các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân của Mỹ, ngoài ra phải kể là chương trình của chính quyền Tổng thống Clinton nhằm thúc đẩy trao đổi giữa các nhà khoa học hạt nhân của Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho biết, một nghiên cứu của công ty tình báo tư nhân Strider vào tháng 9/2022 chỉ ra vào những năm 1980, ĐCSTQ bắt đầu tuyển dụng các nhà khoa học hạt nhân trong các phòng thí nghiệm hạt nhân Mỹ để đánh cắp bí mật. Từ năm 1987 – 2021, ít nhất 162 nhà khoa học làm việc tại Los Alamos đã đến Trung Quốc để thực hiện các dự án nhạy cảm, trong đó có 15 nhà khoa học làm việc tại Phòng thí nghiệm Los Alamos.

Năm 1992, các quan chức phản gián Bộ Năng lượng Mỹ lần đầu tiên chú ý việc mất thông tin về thiết kế đầu đạn W-88, khi đó họ mới biết rằng ĐCSTQ đã thử nghiệm một đầu đạn hạt nhân có thiết kế tương tự W-88. Ba năm sau, một người đào thoát làm việc trong lĩnh vực hạt nhân cho ĐCSTQ đã cung cấp cho CIA một tài liệu mật của ĐCSTQ tiết lộ thông tin thiết kế cụ thể của W-88 và các đầu đạn khác. Giới quan sát phân tích có chỉ ra rằng ĐCSTQ đã sao chép đầu đạn do Mỹ thiết kế.

Bí mật tên lửa bị rò rỉ

Những tiết lộ này đã gây náo động Đồi Capitol. Một ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Mỹ do dân biểu Cộng hòa Cox Report đứng đầu đã kết luận trong báo cáo cuối cùng của họ vào năm 1999, rằng tình báo ĐCSTQ đã thu được các bí mật về tất cả 7 loại bom nhiệt hạch của Mỹ, cụ thể là: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa W-56 Minuteman II; W-62 Minuteman III ICBM; Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) súng dài W-70; W-76 Trident C-4 SLBM; W-78 Minuteman III Mark 12A ICBM; W-87 Peacekeeper ICBM; 88 Trident D-5 SLBM.

Trong đó W-88 là đầu đạn hạt nhân chiến lược tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ, được triển khai trên tên lửa phóng từ tàu ngầm Trident D-5. Một báo cáo tình báo của Mỹ cho hay về khả năng gián điệp ĐCSTQ đánh cắp thông tin về thiết kế W-88 trong khoảng thời gian từ năm 1984 – 1988. Báo cáo viết: “Sau khi có được, ĐCSTQ đã có thể tăng tốc nghiên cứu và thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của họ vượt xa khả năng vốn có của họ”.

Một báo cáo năm 2001 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ trích dẫn một phân tích mật năm 1997 của Ban An ninh Công nghệ Quốc phòng Lầu Năm Góc, cho biết hai công ty Mỹ là Space Systems Loral và Hughes Electronics Corp từng chuyển giao cho ĐCSTQ công nghệ “giúp tăng cường đáng kể hệ thống dẫn đường và kiểm soát tên lửa đạn đạo hạt nhân của nước này” khiến “an ninh quốc gia của Mỹ bị tổn hại”.

Tiêu biểu như năm 1985 một nhân viên hợp đồng tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos – Mỹ (tên Peter Lee) đã đến Trung Quốc. Trong một cuộc họp tại phòng khách sạn ở Bắc Kinh, Lee đã được hai quan chức ĐCSTQ tiếp cận và thuyết phục anh ta cung cấp thông tin mật về vũ khí hạt nhân. Năm 1998, Peter Lee đã nhận tội chuyển bí mật quốc phòng cho Trung Quốc và bị kết án một năm tù. Bí mật do Lee cung cấp liên quan đến công nghệ radar tiên tiến đang được phát triển để theo dõi tàu ngầm. Peter Lee là một phần của chương trình trao đổi hạt nhân Mỹ-Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980, kết thúc vào năm 1983 và được nối lại vào năm 1993.

Vụ việc nữa vào năm 1999 liên quan nhà khoa học hạt nhân khác ở Los Alamos là Wen Ho Lee, người này cũng bị FBI điều tra vì cáo buộc làm rò rỉ bí mật đầu đạn. Wen Ho Lee bị buộc tội lấy cắp băng từ máy tính tại Bộ phận X ở Los Alamos, bộ phận này chuyên trách về thiết kế vũ khí hạt nhân. Theo hồ sơ tòa án, băng từ bị mất không thể tìm lại được gồm bản thiết kế của toàn bộ kho vũ khí đầu đạn hạt nhân của Mỹ, bao gồm toàn bộ bản kế hoạch về kho đầu đạn hạt nhân cùng vật liệu dùng chế tạo. Năm 2000, Wen Ho Lee nhận tội xử lý sai thông tin mật, đặc biệt là sở hữu và kiểm soát trái phép tài liệu quốc phòng cùng dữ liệu bị hạn chế liên quan băng từ.

CIA đánh giá thiệt hại

Năm 1999, các cơ quan tình báo Mỹ đã tiến hành đánh giá thiệt hại về hành vi đánh cắp dữ liệu vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ và tác động của vấn đề đối với phát triển vũ khí của ĐCSTQ trong tương lai, kết luận rằng thông tin bị đánh cắp “cho phép ĐCSTQ tập trung thành công vào điểm quan trọng trong thiết kế vũ khí hạt nhân”.

CIA cho biết: “ĐCSTQ đã có được thông tin thiết kế cơ bản của ít nhất một số phương tiện tái nhập hạt nhân hiện đại của Mỹ, bao gồm Trident II (W88). Những tiến bộ công nghệ của ĐCSTQ là nhờ hoạt động gián điệp, tiếp cận với các nhà khoa học, hội nghị và ấn phẩm của Mỹ và các nước tiên tiến khác; từ tiết lộ trái phép thông tin vũ khí được giải mật của Mỹ cùng năng lực phát triển chúng của Trung Quốc”.

Bản đánh giá cho biết những thông tin mà ĐCSTQ có được từ Mỹ góp phần đáng kể vào mục tiêu quân sự hạt nhân của họ cũng như cung cấp thông tin cho các thiết kế trong tương lai.

Ngày nay, lực lượng tên lửa xuyên lục địa của Trung Quốc được hỗ trợ bởi hơn 900 tên lửa đạn đạo tầm trung, những tên lửa đó được trang bị đầu đạn hạt nhân “có khả năng gây thiệt hại thảm khốc cho các lực lượng của Mỹ, đồng minh và đối tác trong khu vực của Mỹ; sức mạnh tổng hợp của kho vũ khí mà ĐCSTQ sở hữu rất đáng lo ngại”, theo tướng Richard.

Vị tướng Hải quân Mỹ nhấn mạnh thêm rằng vào năm ngoái, ĐCSTQ đã triển khai radar mảng pha (Phased Array Radar) lớn để đưa ra cảnh báo sớm về tên lửa, đó lại là một tiến bộ công nghệ quan trọng khác của ĐCSTQ nhờ phát huy tác dụng từ công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Công nghệ radar mảng pha được ĐCSTQ mua lại vào năm 2005 từ nhà thầu quốc phòng Power Paragon thuộc sở hữu của L-3 Communications, công nghệ này liên quan đến vụ gián điệp của kỹ sư điện người Mỹ gốc Hoa có tên Chi Mak. Năm 2007, Chi Mak bị kết án 24 năm tù vì tội chuyển công nghệ quốc phòng cho ĐCSTQ, anh này đã qua đời chết trong tù hồi tháng 10/2022.