Tờ Financial Times đưa tin, hệ thống vũ khí siêu thanh mà chính quyền Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 7 được cho là đã phóng tên lửa thứ hai khi bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

sieuthanh
Một màn trình diễn nghệ thuật của DARPA’s Hypersonic Technology Vehicle (HTV-2). (Ảnh: DARPA)

Hiện vẫn chưa rõ tên lửa thứ hai là vũ khí không đối không, hay là một biện pháp đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương để ngăn chúng bắn hạ phương tiện lướt siêu vượt âm trong giao tranh.

Theo các chuyên gia, công nghệ như vậy thể hiện một bước nhảy vọt tiềm năng của công nghệ Mỹ và Nga, đồng thời có thể mang lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quân đội của họ một lợi thế chiến lược trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Ông Risk Fisher, thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế nhận định: “Qua việc trình diễn các nền tảng HGV [phương tiện lướt siêu thanh] có tải trọng triển khai, Trung Quốc đã đánh bại Hoa Kỳ trong việc đạt được khả năng hủy diệt chiến lược gần như ngay lập tức bằng vũ khí phi hạt nhân.”

HGV là một phương tiện cơ động được bắn vào không gian bằng tên lửa và sau đó được thả để lướt tới mục tiêu trong bầu khí quyển. Khả năng thay đổi quỹ đạo đột ngột giữa chuyến bay khiến nó trở nên đặc biệt nguy hiểm, vì rất khó cho các hệ thống cảnh báo sớm có thể phát hiện chính xác.

“Chúng tôi không biết làm thế nào để có thể chống lại công nghệ đó. Cả Trung Quốc và Nga cũng đều như vậy,” Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood cho biết hồi tháng 10.

Tin tức này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Nhà Trắng thông báo sẽ tiến hành các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược với Trung Quốc, sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Theo Financial Times, một số quan chức Lầu Năm Góc đã rất ngạc nhiên trước sự tồn tại của một khả năng như vậy, vì họ tin rằng chưa có quốc gia nào phát triển nó.

Tuy nhiên, vào tháng 11, Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tiết lộ, quân đội Hoa Kỳ đã nghiên cứu hệ thống tương tự cách đây một thập kỷ, nhưng đã hủy bỏ dự án sau hai cuộc thử nghiệm thất bại vì một bộ máy quan liêu “tàn bạo” trong Lầu Năm Góc.

Ông cũng lưu ý, trong thời gian kể từ khi dự án đó bị hủy bỏ, Hoa Kỳ đã thực hiện tổng cộng 9 cuộc thử nghiệm siêu thanh, trong khi đó Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm lần. “Những con số đơn lẻ so với con số hàng trăm không phải là điều tốt gì.”

Ông Hyten còn nhìn nhận, tên lửa siêu thanh mà Trung Quốc thử nghiệm có thể nhằm mục đích tấn công bất ngờ vào Hoa Kỳ, và nó giống như một vũ khí hạt nhân “sử dụng lần đầu”.

Ngoài ra, ông Risk Fisher nhận xét, một loại vũ khí như vậy, với khả năng mang nhiều trọng tải mới được phát hiện trong khi bay siêu thanh là rất nguy hiểm, cho dù nó có hoặc không có đầu đạn hạt nhân.

“Trung Quốc có thể sớm hạ được hai căn cứ tàu ngầm hạt nhân chính và 5 căn cứ máy bay ném bom chính của chúng ta trong vòng 40 phút bằng vũ khí phi hạt nhân,” ông Fisher dự đoán.

“Nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra trước một cuộc đại chiến của Trung Quốc nhằm chinh phục Đài Loan và phá hủy nền dân chủ của nước này, thì Mỹ sẽ buộc phải lựa chọn giữa việc bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân, vốn sẽ tàn phá Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc, mở đường cho ĐCSTQ bá chủ toàn cầu, hoặc đầu hàng trên eo biển Đài Loan, mất liên minh và tạo ra con đường thứ hai cho sự bá quyền của ĐCSTQ,” ông Fisher nói thêm.

Các vụ thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ đang nỗ lực chưa từng có nhằm hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Một báo cáo của Lầu Năm Góc ước tính, ĐCSTQ sẽ tích lũy được 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.

Một số chuyên gia cho rằng, việc đào sâu các khả năng hạt nhân của Trung Quốc không nhằm mục đích khơi mào chiến tranh hạt nhân, mà để che đậy các cuộc xung đột thông thường, chẳng hạn như xâm lược Đài Loan. Theo kịch bản như vậy, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể được sử dụng để ngăn chặn Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc xung đột để bảo vệ đồng minh của mình.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: