Hôm thứ Bảy (ngày 20/8), Washington Post đưa tin cho biết, bà Pelosi từng đưa ra hai điều kiện khi đối mặt với việc ông Tập Cận Bình yêu cầu ông Biden chặn chuyến thăm Đài Loan của bà.

id13795644 2208030935481528 600x400 1
Vào ngày 3/8/2022, tại Đài Bắc, Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã dẫn đầu một phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đến Viện Lập pháp Đài Loan. Phó viện trưởng Viện Lập pháp Thái Kỳ Xương đón tiếp. (Ảnh: Lin Shijie / Epoch Times)

Bản tin của Washington Post nói rằng bà Pelosi đồng ý xem xét lại hành trình với 2 điều kiện: Nếu tổng thống trực tiếp yêu cầu bà không đi, hoặc nếu tổng thống Đài Loan rút lại lời mời bà.

Bà cũng nói với các quan chức Nhà Trắng rằng bà sẽ xem xét chấp nhận yêu cầu của ông Biden, nhưng bà sẽ công khai rằng bà đã hủy chuyến đi đến Đài Loan theo yêu cầu của tổng thống.

Bản tin cho biết lời đề nghị của bà Pelosi khiến ông Biden rơi vào thế bí. Washington Post không tiết lộ nguồn cụ thể của thông tin này, chỉ khái quát rằng nó đến từ một số quan chức Chính phủ Mỹ giấu tên.

Ông Biden đã phục vụ 36 năm trong Thượng viện và 8 năm với tư cách là Phó Tổng thống. Ông nhận thức rõ ràng tam quyền phân lập của Mỹ – sự phân bổ quyền lực của chính phủ giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Các chuyên gia nói rằng nếu công khai thông tin ông Biden không muốn bà Pelosi thăm Đài Loan, thì sẽ có nguy cơ khiến ông và Nhà Trắng tỏ ra mềm yếu trong vấn đề Trung Quốc.

Theo Nhà Trắng, ông Biden đã không nói chuyện với bà Pelosi qua điện thoại về chuyến đi đến Đài Loan.

Ông Tập nêu rõ đề xuất với ông Biden “tìm cách ngăn chặn bà Pelosi”

Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, sau khi một số quan chức Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, ông Tập Cận Bình đã đưa ra yêu cầu rõ ràng với ông Biden trong cuộc điện đàm rằng “tìm cách để ngăn bà Pelosi” đến thăm Đài Loan.

Ông Biden nói với ông Tập rằng ông không thể đáp ứng yêu cầu, và giải thích rằng Quốc hội là một cơ quan độc lập của chính phủ và bà Pelosi, giống như các thành viên khác của Quốc hội, tự quyết định chuyến thăm của mình. Ông Biden cũng cảnh báo ông Tập, nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan, Bắc Kinh không nên có hành động khiêu khích và mang tính uy hiếp.

Bản tin của Washington Post chứng thực nội dung trước đó của Wall Street Journal (WSJ). WSJ dẫn lời những người quen thuộc với tầng quyết sách của ĐCSTQ, nói rằng trong cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vào ngày 28/7, ông Tập đã cảnh báo ông Biden rằng nếu bà Pelosi đến Đài Loan, sẽ có những hậu quả không chắc chắn; nhưng ông cũng bày tỏ rằng hiện giờ vẫn chưa phải là thời điểm cho một cuộc khủng hoảng toàn diện, và 2 bên cần phải “duy trì hòa bình và an ninh”.

Ông Biden giải thích với ông Tập về sự phân tách tam quyền phân lập ở Mỹ, đồng thời nhắc ông Tập rằng cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đã đến thăm Đài Loan cách đây 25 năm.

Bản tin cho biết, nguồn tin tiết lộ ông Tập thất vọng vì những nỗ lực ngoại giao nhiều tháng của Bắc Kinh đã không thể ngăn cản chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan. Lần điện đàm này là quyết định cuối cùng của ông Tập Cận Bình, mục đích nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột với Mỹ xuống mức thấp nhất.

Nhà Trắng lo ngại về chuyến thăm và không thuyết phục được bà Pelosi

Washington Post đề cập, theo một số quan chức Chính phủ và Nhà Trắng, ngay cả khi họ biện hộ cho quyền thăm [Đài Loan] của bà Pelosi, nhưng các quan chức hàng đầu vẫn lo ngại sâu sắc về chuyến đi này.

Các quan chức hàng đầu cho biết trong vài tháng qua, Mỹ đã nhận thấy những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét hoạt động quân sự chưa từng có ở 2 bờ eo biển Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục. Các quan chức đã thấy dấu hiệu Bắc Kinh lợi dụng chuyến thăm của bà Pelosi như một cái cớ để hành động.

Các quan chức Mỹ cũng lo ngại về thời gian chuyến thăm của bà Pelosi, sẽ đến ngay trước khi ông Tập tìm cách tiếp tục tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba và những ảnh hưởng địa chính trị có thể xảy ra sau đó.

Bà Pelosi đã tiếp tục chuyến thăm bất chấp những rủi ro đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và các quan chức an ninh quốc gia của Nhà Trắng xác định. Bắc Kinh đã tiến hành một loạt các hành động trả đũa, bao gồm tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, phóng tên lửa qua bầu trời Đài Loan, để cho một số tên lửa rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan. Rõ ràng, những hành động này không phải là được lên kế hoạch trong ngày một ngày hai.

Nhà Trắng triển khai dày đặc các hoạt động ngoại giao, dùng cùng một tiếng nói với các đồng minh

Washington Post đưa tin, Nhà Trắng sau đó đã triển khai dày đặc các hoạt động ngoại giao về phản ứng dự kiến ​​của Bắc Kinh đối với chuyến đi của bà Pelosi, đảm bảo với các đồng minh rằng Mỹ sẽ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc hoặc thay đổi chính sách lâu nay của mình.

Nhà Trắng cũng đảm bảo với các đồng minh trong khu vực rằng họ sẽ không đáp trả các cuộc tập trận quân sự rầm rộ của Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ bảo vệ các đồng minh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Một quan chức Nhà Trắng nói với tờ Washington Post rằng, các quan chức Mỹ đã thông báo cho các đồng minh về dự kiến cách Bắc Kinh đáp trả chuyến thăm này của bà Pelosi, cũng như các cuộc tập trận quân sự có thể có để đe dọa Đài Loan, và cả việc Mỹ sẽ phản ứng để đảm bảo với các đồng minh rằng Mỹ “sẵn sàng 1 tiếng nói duy nhất” khi tình hình leo thang.

Thông qua nhóm G7, Mỹ đã lên tiếng chung chống lại ĐCSTQ, lên án phản ứng thái quá của Bắc Kinh đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, sử dụng chuyến thăm này như một cái cớ để tiến hành các hoạt động quân sự gây hấn ở eo biển Đài Loan.

Sau đó, hội nghị ngoại trưởng ASEAN với sự tham dự của Ngoại trưởng Blinken, cũng ra tuyên bố, yêu cầu tránh leo thang xung đột ở eo biển Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị, người có mặt tại hội nghị, đã tạm thời hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, và cũng đột ngột vắng mặt trong bữa tối cấp bộ trưởng.

Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Bắc Kinh đã hủy bỏ hoặc tạm dừng các hoạt đối thoại, hợp tác với Mỹ về các vấn đề như quan hệ quân sự và nỗ lực chống ma túy. Từ đó tạo ra thách thức đối với quan hệ Mỹ – Trung, vốn đã ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.