Hôm Chủ nhật (28/11) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia trên thế giới không áp đặt các lệnh cấm bay đến các quốc gia Nam châu Phi do lo ngại về biến thể Omicron mới.

An Do Bien the COVID 19 moi gay tu vong cao gap 15 lan cac bien the con lai 1
(Ảnh minh họa: Par Lightspring/Shutterstock)

Bà Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, kêu gọi các nước áp dụng các quy định khoa học và y tế quốc tế nhằm tránh sử dụng các biện pháp hạn chế đi lại.

Trong một thông báo, bà Moeti lưu ý: “Các biện pháp hạn chế đi lại có thể đóng vai trò trong việc giảm nhẹ sự lây lan của COVID-19, nhưng lại tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế. Nếu các biện pháp hạn chế được thực hiện, thì chúng không nên được áp đặt một cách tùy tiện không cần thiết, và nên dựa trên khoa học, theo Quy định Y tế Quốc tế, vốn là một công cụ ràng buộc mang tính pháp lý của luật pháp quốc tế được hơn 190 quốc gia công nhận.”

Bà Moeti ca ngợi Nam Phi đã tuân thủ các quy định y tế quốc tế và thông báo cho WHO ngay sau khi phòng thí nghiệm quốc gia của nước này xác định biến thể Omicron.

Bà nhận xét: “Tốc độ và sự minh bạch của chính phủ Nam Phi và Botswana trong việc thông báo cho thế giới về biến thể mới xứng đáng được tuyên dương. WHO ủng hộ các quốc gia châu Phi đã can đảm mạnh dạn chia sẻ những thông tin y tế công cộng cứu người, giúp bảo vệ thế giới chống lại sự lây lan của COVID-19.”

Hôm 28/11, các ca nhiễm biến thể Omicron của virus corona đã xuất hiện bất ngờ tại các quốc gia ở nhiều khu vực khác của thế giới. Chính phủ nhiều nước đã vội vã đóng cửa biên giới của họ ngay cả khi các nhà khoa học cảnh báo rằng chưa rõ liệu biến thể mới này có đáng lo ngại hơn các biến thể khác của virus corona hay không.

Mặc dù tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra về biến thể Omicron, WHO khuyến nghị rằng tất cả các quốc gia “nên thực hiện cách tiếp cận khoa học và dựa trên rủi ro, đồng thời áp dụng các biện pháp có thể hạn chế khả năng lây lan của nó”.

Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh, hiện vẫn chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể mới gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể COVID-19 trước đó.

Phát biểu trong chương trình “State of the Union” của CNN, ông Collins nêu rõ: “Tôi nghĩ nó [biến thể Omicron] dễ lây nhiễm hơn, khi chúng ta nhìn vào sự lây lan nhanh chóng của nó qua nhiều quận ở Nam Phi.”

Israel đã quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh, trong khi Morocco cho hay, họ sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay đến nước này trong hai tuần bắt đầu từ thứ Hai (29/11). Đây là hai nước áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trong số ngày càng nhiều các quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nhằm cố gắng làm chậm sự lây lan của biến thể này. Các nhà khoa học đã xác nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron tại nhiều nơi trên thế giới, từ Hồng Kông cho đến châu Âu. Hà Lan đã báo cáo 13 ca nhiễm biến thể Omicron hôm 28/11, trong khi Úc đã phát hiện hai ca nhiễm.

Hoa Kỳ đã lên kế hoạch cấm việc đi lại đến Nam Phi và bảy quốc gia khác ở Nam châu Phi bắt đầu từ ngày 29/11.

Bà Moeti nhận định: “Với việc biến thể Omicron hiện đã được phát hiện tại một số khu vực trên thế giới, việc áp đặt các lệnh cấm đi lại nhắm vào châu Phi đang tấn công vào sự đoàn kết toàn cầu. COVID-19 liên tục khai thác sự chia rẽ của chúng ta. Chúng ta sẽ đối phó tốt hơn đối với virus, nếu chúng ta hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp.”

WHO thông báo, họ đang mở rộng quy mô hỗ trợ cho việc giải trình tự gen ở châu Phi để các phòng thí nghiệm giải trình gen ở khu vực này có đủ nguồn nhân lực và các thuốc thử nghiệm để hoạt động hết công suất. WHO cũng cho biết, tổ chức này sẵn sàng cung cấp thêm sự trợ giúp nhằm giúp các quốc gia châu Phi tăng cường khả năng ứng phó đối với COVID-19, bao gồm giám sát, điều trị, ngăn ngừa lây nhiễm, và sự tham gia của cộng đồng ở các quốc gia Nam châu Phi.

Gia Huy (Theo AP)

Xem thêm: