Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần vào thứ Năm (6/1), số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới “tăng mạnh” trong tuần qua nhưng tổng số ca tử vong lại giảm.

Embed from Getty Images

Theo cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, từ ngày 27/12/2021 đến ngày 2/1/2022, số ca nhiễm COVID-19 tăng 71% so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca tử vong đã giảm 10% trên toàn thế giới.

“Con số này tương ứng với chỉ dưới 9,5 triệu ca nhiễm mới và hơn 41.000 trường hợp tử vong mới được báo cáo trong tuần trước. Tính đến ngày 2/1, đã có tổng số gần 289 triệu ca nhiễm và chỉ hơn 5,4 triệu ca tử vong đã được báo cáo trên toàn cầu,” bản cập nhật của WHO nêu rõ.

Mặc dù WHO không đề cập đến Omicron, nhưng dường như biến thể này đã gây ra làn sóng lây nhiễm mới nhất. Tuần này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thông báo, biến thể Omicron chiếm khoảng 95,4% tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ, thay thế cho biến thể Delta trước đó.

Số ca tử vong giảm khi số ca nhiễm mới gia tăng cũng cho thấy, biến thể Omicron có các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, bao gồm cả Delta. Một số nghiên cứu gần đây cũng nhận thấy, các ca nhiễm Omicron ít phải nhập viện hơn.

“Chúng tôi đang chứng kiến ​​ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Omicron đang lây nhiễm sang [cơ quan hô hấp] phía trên của cơ thể. Không giống như những biến thể khác, [tấn công] vào phổi và gây ra bệnh viêm phổi nặng,” Giám đốc quản lý Sự cố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Abdi Mahamud trao đổi với báo giới hôm 4/1. Tuy nhiên, ông cảnh báo, cần phải có “nhiều nghiên cứu hơn nữa” để hỗ trợ những tuyên bố như vậy.

Nhưng với việc giảm thiểu số ca tử vong và số người nhập viện, ông nói thêm, “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là… sự tách biệt giữa các trường hợp nhiễm bệnh và các trường hợp tử vong.”

Một số chuyên gia cũng nhìn nhận, các nhà hoạch định chính sách nên ít tập trung hơn vào việc tính số ca nhiễm COVID-19, và thay vào đó tập trung vào số liệu nhập viện hoặc tử vong.

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP của Đại học Columbia, nói với Associated Press trong một cuộc phỏng vấn gần đây, các quan chức nên “chuyển trọng tâm của chúng ta, đặc biệt là trong thời đại tiêm chủng này, để thực sự tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh tật, bệnh nặng và tử vong”.

Cuối năm ngoái, ông Ashish K. Jha, Hiệu trưởng Đại học Brown và là cựu giáo sư Harvard, đã đưa ra nhận xét tương tự trong một cuộc phỏng vấn với ABC.

Ông nhấn mạnh: “Trong hai năm, các ca nhiễm mới luôn xảy ra trước các ca nhập viện, sau đó mới đến số ca tử vong, vì vậy các bạn có thể nhìn vào số ca nhiễm bệnh và biết điều gì sẽ đến. Thế nhưng Omicron đã thay đổi điều đó. Đây là sự thay đổi mà chúng tôi đã chờ đợi theo nhiều cách.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: