Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã qua thời trăng mật. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ý Mario Draghi đã ngăn chặn hoạt động thâu tóm lĩnh vực bán dẫn từ Trung Quốc, cho nên có thể xem ông là một trong những động lực khiến quan hệ EU – Trung Quốc đi xuống. Học giả Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo) của Đài Loan cho biết có 5 lý do chính dẫn đến sự thay đổi lớn của Ý trong chính sách đối với Trung Quốc, trong đó nổi bật là toan tính không thực tế của ĐCSTQ muốn liên kết cùng EU chống lại Mỹ. Hiện nay, một liên minh chống ĐCSTQ toàn cầu đã hình thành.

1024px Mario Draghi World Economic Forum Annual Meeting 2012
Thủ tướng Ý Mario Draghi (Nguồn: Monika Flueckiger/Wikimedia)

Vì sao Ý thay đổi quan điểm

Theo Epoch Times, ngày 8/4 năm nay Thủ tướng Draghi trả lời truyền thông rằng gần đây, Ý đã xem xét lại việc công ty Trung Quốc mua lại một công ty bán dẫn của Ý, cuối cùng đã bác bỏ thương vụ này. Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng Ý tận dụng “quyền lực vàng” của chính phủ để chặn ý đồ của ĐCSTQ thâu tóm ngành công nghiệp bán dẫn của Ý.

Truyền thông Ý tiết lộ ngày 31/3, nội các Ý đã ngăn chặn việc mua lại công ty LPE của Công ty Đầu tư Thâm Quyến (Shenzhen Investment Holdings) phía Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, Công ty Đầu tư Thâm Quyến đã ký hợp đồng mua lại 70% cổ phần của LPE.

Epoch Times dẫn tin từ Thời báo Tài chính Anh (FT) mô tả các vụ mua lại của Trung Quốc bị chặn trong năm nay làm nổi bật thực trạng sụp đổ của hoạt động ĐCSTQ “thôn tính” EU, vốn dĩ ĐCSTQ xem đây là một trong những thành công ngoại giao quan trọng nhất của họ. Động thái của ông Draghi đánh dấu bước chuyển hướng kiên quyết của Ý, ngăn chặn Trung Quốc ngay đầu tàu ở Tây Âu.

Cuối tháng 3/2019, Ý trở thành nước đầu tiên ở châu Âu tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ. Nhưng vào tháng Hai năm nay, khi cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Draghi nhậm chức, lập trường của ông hoàn toàn khác với chính sách thân Trung Quốc của chính phủ tiền nhiệm.

Gần đây trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Qinmo), Giám đốc Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Tamkang của Đài Loan, cho biết những gì đã xảy ra ở châu Âu cho thấy thất bại trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ hướng tới châu Âu.

Tháng 7/2019, ông Trịnh Khâm Mô đã đến Rome trong 3 tuần. Thời gian này, ông đã gặp gỡ một số cơ sở học thuật địa phương và chứng kiến khuynh hướng thân Trung Quốc ở Ý vào thời điểm đó, vì trong các trao đổi, ông thấy họ có nhiều trích dẫn phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Về những thay đổi hiện nay của Ý, ông chỉ ra 5 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là nguyên nhân trực tiếp hàng đầu. Ý là nước đầu tiên của EU bị ảnh hưởng nặng nề sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát.

Thứ hai, các công ty Trung Quốc không có cái gọi là “tinh thần hợp đồng” cho các hoạt động thương mại và đầu tư ở châu Âu, họ thiếu ý thức tuân thủ các quy định liên quan. Đầu năm 2018, truyền thông Đức đã đưa tin 27 nước EU (trừ Hungary) đã công bố bức thư chung lên án sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ gây chia rẽ châu Âu, đã dùng các chiêu trò thương mại bất chính làm suy thoái môi trường hoạt động thương mại tại châu Âu.

Thứ ba là vấn đề từ “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ thể hiện trong khoảng hơn một năm qua với nhiều biểu hiện hung hăng quái gở. Kiểu ngoại giao này đang ngày càng gây khó chịu tại Ý: tiêu biểu như trừng phạt Úc, ngăn chặn giới chức các nước EU (như Pháp, Séc…) đến Đài Loan…

Thứ tư, Thủ tướng Draghi đắc cử cũng là thay đổi lớn, những quyết định của ông đã thực sự phù hợp với dư luận Ý trong vấn đề Trung Quốc, mà tiêu biểu gần đây là ngăn chặn thương vụ công ty Trung Quốc mua lại LPE.

Thứ năm, liên minh quốc tế chống ĐCSTQ đã dần hình thành, bao gồm cả việc Mỹ và các nước EU cùng nhau đoàn kết ngăn chặn ĐCSTQ tự tung tự tác: diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, không tôn trọng hiệp ước quốc tế thực hiện “một nước, hai chế độ” tại Hồng Kông, ý đồ thôn tính Đài Loan… Tuyên bố của G7 đã đề cập chuyện giữ ổn định cho Đài Loan, trong khi lâu nay họ thường tránh vấn đề nhân quyền để được lợi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng động thái đó đã cho thấy họ chuyển biến về quan điểm.

 

Thay đổi của Ý sẽ giúp cho EU

Do những năm gần đây nền kinh tế châu Âu suy thoái, ĐCSTQ bắt đầu lợi dụng sáng kiến “Vành đai và Con đường” để chiêu dụ các nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, và Ý… nhằm kiểm soát châu Âu về kinh tế và chính trị, biến khu vực thành đồng minh của Trung Quốc chống lại Mỹ.

Ông Trịnh Khâm Mô cho biết, quan hệ tiến nhanh nhất với ĐCSTQ trong EU chính là Ý, dựa vào đầu tư của ĐCSTQ tại Ý, dựa vào dự án “Vành đai và Con đường”. Vào thời điểm đó, Ý là quốc gia bị tổn thương nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Nhưng sau quá trình phát triển, các nước EU dần thấy không nhận được lợi ích gì đáng kể. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có lịch sử phát triển cả thế kỷ của họ bị suy thoái thậm chí đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi hợp tác với phía Trung Quốc, gây bất mãn cho người dân Ý. Những hiện tượng này làm EU phải nghĩ lại.

Theo Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội Ý (COPASIR), tính đến năm 2020, hơn 400 công ty do Trung Quốc tài trợ đã nắm giữ cổ phần trong 760 công ty Ý, liên quan đến các ngành công nghiệp chiến lược hoặc lợi nhuận cao.

Triển vọng tương lai của các tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào Ý là gì? Ông Trịnh nói rằng xu hướng này đang dần xuất hiện. Gần đây, Nghị viện EU đã đóng băng Hiệp định Toàn diện về Đầu tư EU-Trung Quốc, như vậy lĩnh vực chiến lược quan trọng như các công ty bán dẫn của Ý được bảo đảm không bị Trung Quốc thao túng. Đặc biệt nữa là đối với ngành công nghiệp ô tô của Ý, về cơ bản là ông Draghi ngăn đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực liên quan này.

Tuy nhiên, chuyên gia Đài Loan này cho rằng Ý vẫn đang hợp tác với ĐCSTQ ở một số phần, và châu Âu cũng sẽ không vội vàng từ bỏ toàn bộ thị trường Trung Quốc, nhưng sẽ cố gắng kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề an ninh. Ví dụ gần đây, công ty tại Ý của tập đoàn viễn thông Anh Vodafone đã ký hợp đồng cung cấp cơ sở hạ tầng 5G với Huawei, nhưng với các điều kiện bảo mật nghiêm ngặt.

“Chúng tôi có thể dự đoán rằng đầu tư của Trung Quốc vào Ý, đặc biệt là trong các ngành khá nhạy cảm, công nghệ cao hoặc liên quan đến an ninh quốc gia, trong tương lai ông Draghi sẽ ngày càng thận trọng hơn. Còn quá sớm để cho rằng toàn bộ quan hệ thương mại [của EU] với Trung Quốc sẽ cắt đứt”, ông Trịnh nói với Epoch Times. “[Dù vậy] thực trạng xấu đi của môi trường đầu tư từ Trung Quốc sẽ khiến trong mọi phương diện, Ý không thể kỳ vọng hoàn toàn vào ĐCSTQ, thay vào đó sẽ quay trở lại chia sẻ giá trị với EU, xu hướng này không thể đảo ngược”.

Chuyên gia Đài Loan cho rằng những thay đổi hiện nay tại Ý sẽ còn giúp đỡ nhiều hơn đối với chính sách về Trung Quốc của EU, giúp kế hoạch toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp theo của EU sẽ có quan điểm chung và nhất trí hơn.

 

Hình thành liên minh toàn cầu ngăn chặn ĐCSTQ

Chuyên gia Trịnh nhận định rằng cục diện quốc tế đang đang chuyển hướng, EU hy vọng sẽ có một con đường ngoại giao tương đối độc lập. Đánh giá từ những dấu hiệu gần đây cho thấy, EU – nơi khởi nguồn của tự do dân chủ – sẽ quay lại coi trọng nhân quyền, tinh thần khế ước, luật pháp. Các quy tắc và hệ thống này do các nước EU và Mỹ xây dựng, nhưng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lại gây thách thức quy tắc chuẩn mực quốc tế thích đáng, điều này đã tác động đến thái độ của họ đối với ĐCSTQ.

Kể từ đầu năm nay, EU đã quyết định thực hiện giám sát chặt chẽ hơn đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu.

Thông tin dẫn từ Reuters cho biết, ngày 5/5 năm nay, họ đã xem được kế hoạch công nghiệp của EU. Theo đó, EU đang lỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài như từ Trung Quốc, liên quan đến sáu lĩnh vực chiến lược công nghệ hàng đầu như nguyên liệu thô, chất bán dẫn, pin, năng lượng hydro và điện toán đám mây.

Thông tin này cũng được tờ WSJ (Wall Street Journal) đưa tin, cho biết vào ngày 5/5, EU đã công bố một dự thảo để áp đặt các quy định mới đối với các công ty nước ngoài ở châu Âu nhận trợ cấp từ các chính phủ nước ngoài, theo đó giúp cơ quan quản lý có quyền hành động chống lại các công ty Trung Quốc phá giá thị trường, gây khó khăn hơn cho các công ty châu Âu.

Ngày 20/5, Nghị viện EU đã thông qua nghị quyết bằng số phiếu áp đảo, đóng băng quá trình thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư giữa EU -Trung Quốc.

Tờ Nikkei của Nhật Bản có phân tích, động thái đóng băng thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU, xảy ra hơn một tháng trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, đã gây sóng gió khắp Trung Quốc. Giới chức ĐCSTQ lo lắng rằng bầu không khí ngày kỷ niệm này sẽ không còn hào hứng vì những thất bại ngoại giao của họ, từ trong quan hệ với Mỹ cho đến EU. Bài viết nhận định ông Tập Cận Bình dường như không còn nhiều quân bài để cứu vãn tình thế này.

Chuyên gia Đài Loan Trịnh Khâm Mô nói với Epoch Times, vốn dĩ ĐCSTQ nghĩ rằng họ có thể lôi kéo được EU để chống lại Mỹ, nhưng xu hướng hiện tại cho thấy tính toán của ĐCSTQ là không thực tế, thậm chí đã hình thành một xu thế không thể đảo ngược: liên minh toàn cầu ngăn chặn nguy cơ từ ĐCSTQ.

Theo Lạc Á, Cổ Thanh Nhi, Epoch Times

Xem thêm: