Thông tin trên do ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP.HCM) nói tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh tại thành phố vào chiều 10/1.

hoc sinh hoc truc tuyen tphcm 1
Theo khảo sát ở nhiều trường tiểu học, học sinh chuyển trường phần lớn là con em công nhân, người lao động tự do. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn)

Theo ông Trọng, đây là số học sinh cấp tiểu học hiện chưa đến trường thực hiện rút hồ sơ học bạ chuyển trường; còn học sinh cấp THCS, THPT hầu hết đã học trực tiếp tại TP.HCM (trừ khối lớp 6).

Theo khảo sát ở nhiều trường tiểu học, học sinh chuyển trường phần lớn là con em công nhân, người lao động tự do. Nguyên nhân là do thời gian học trực tuyến kéo dài trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm, không thể trông coi việc học của con. Cùng với đó là do tác động của làn sóng hồi hương. Dịch bệnh khiến nhiều gia đình không bám trụ nổi ở thành phố, phải chuyển về quê, con cái do vậy cũng phải chuyển trường.

Ông Tạ Duy Hồng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, đã có hơn 400 học sinh xin chuyển trường. Tình trạng học sinh rút học bạ từ các trường phổ thông tại thành phố để về nhập học ở quê đang tăng, nhất là khi các trường ở thành phố đón học sinh trở lại học trực tiếp.

Còn tại huyện Bình Chánh, từ đầu năm học đến nay, có khoảng 400 học sinh chuyển từ TP.HCM về các tỉnh khác. Con số này cao hơn so với những năm trước.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về “kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khi TP.HCM trở thành vùng xanh”, ông Trọng cho biết việc này “phụ thuộc vào quyết định của UBND TP”.

Hiện thành phố đang tổ chức học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Ngoài ra, từ ngày 4/1 các tổ chức trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống… cũng tổ chức dạy trực tiếp. “Riêng đối với học sinh lớp 6, Sở đang đề xuất để học sinh trở lại trường trong thời gian tới. Việc học sinh đi học trở lại phụ thuộc vào nhiều tiêu chí chứ không chỉ là tiêm vắc-xin”, ông Trọng nói.

Cũng tại buổi họp báo, theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 7/1 đến 9/1), số ca tử vong liên tục dưới 20 ca. Số ca nhiễm, ca bệnh nặng duy trì xu hướng giảm; ca xuất viện cao hơn ca nhập viện.

Ông Hải cho biết TP.HCM đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó có 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 9/1, 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện, 19 trường hợp tử vong. Tính đến nay, TP đã tiêm hơn 421.000 mũi vắc-xin bổ sung và hơn 2,55 triệu mũi vắc-xin nhắc lại.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, Việt Nam có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Trong số này, đa số là lao động tự do, việc làm bấp bênh và không có nhà cửa tại các thành phố, tâm dịch.

Trong tổng số người di cư, nữ là 839,5 nghìn người, chiếm 37,5% tổng số; người từ 15 tuổi trở lên là gần 1,6 triệu người, chiếm 70,9%.

nguoi tphcm hanh huong ve que
Người lao động tại TP.HCM về quê do dịch COVID-19, hồi tháng 10/2021. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là hơn 447.000 người; từ TP.HCM là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370.800 người so với năm trước. Diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.

Hoàng Minh

Xem thêm: