Theo quy định Điều 5, Thông tư số 01/2016/TT-BCA, cảnh sát giao thông không có có quyền đánh người vi phạm.

Bắc Giang, cảnh sát giao thông
Hình ảnh cảnh sát giao thông đánh dân. (Ảnh từ clip)

Truyền thông nhà nước vừa lan truyền video, hình ảnh cho thấy 3 cảnh sát giao thông tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) cùng dùng tay hành hung tài xế xe tải.

Vụ việc xảy ra trên quốc lộ 17, đoạn qua xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên vào sáng hôm 29/11.

Báo chí mô tả lúc 10h30 hôm 29/11, một nhóm cảnh sát giao thông đã phát hiện tài xế T.V.V. (23 tuổi, sống huyện Tân Yên) điều khiển xe tải biển số 98C di chuyển hướng thành phố Bắc Giang có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải nên đã yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra nhưng tài xế không dừng.

Khi đến Km 72+200, ôtô trên rẽ trái chuyển hướng vào đường đê thuộc xã Việt Lập, huyện Tân Yên thì vướng thanh hạn chế chiều cao nên không di chuyển được.

Sau đó, 3 cảnh sát giao thông đã lao tới đập cửa xe, yêu cầu tài xế xuống xe, cùng dùng tay đánh liên tiếp vào đầu và mặt tài xế.

Được biết, phía công an tỉnh Bắc Giang nhận định nhóm cảnh sát giao thông trên đã có lời nói, hành động vi phạm điều lệnh công an nhân dân. Công an huyện Việt Yên tạm thời dừng phân công nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đối với 3 cảnh sát giao thông để xác minh, xử lý.

Cảnh sát giao thông không được phép đánh người vi phạm

Theo Điều 5, Thông tư số 01/2016/TT-BCA (quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông), cảnh sát giao thông có quyền hạn:

1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

7. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

8. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ luật trên cho thấy cảnh sát giao thông không có quyền đánh người vi phạm.

Trường hợp người vi phạm chống đối thì cảnh sát giao thông có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn có thể là vũ lực chỉ khi cảnh sát giao thông bị đe dọa về tính mạng sức khỏe hoặc những hậu quả nghiêm trọng khác, và phải dừng ngay lập tức khi biện pháp ngăn chặn đã đạt hiệu quả, mọi hành vi có tính chất vượt quá giới hạn của cảnh sát giao thông đều là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, nếu cảnh sát giao thông đánh người mà đủ cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 136, 137 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015.

Kim Long