Liên quan đến việc bãi lưu huỳnh lộ thiên, không được che chắn ngay tại sông Cầu, cảng cát Hòa Bình (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội), chủ bãi đã bị lập biên bản xử phạt.

luu huynh lo thien ha noi
 Hoạt động bốc xếp lưu huỳnh gây rơi vãi, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Chụp màn hình/video/kinhtemoitruong.vn)

Ngày 5/4, truyền thông Nhà nước đưa tin UBND huyện Sóc Sơn vừa có văn bản công bố kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động chứa, trung chuyển vật liệu tại khu vực ngã 3 Sông Công – Sông Cầu thuộc xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Trước đó, báo chí trong nước đưa nhiều tin bài phản ánh về bãi lưu huỳnh lộ thiên, không được che chắn ngay tại sông Cầu, tại cảng cát Hòa Bình (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết theo lời khai của chủ bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng tại khu vực ngã 3 sông Công – sông Cầu, ngày 15/3, có tàu chở nguyên liệu dạng viên màu vàng (nghi lưu huỳnh) chết máy, mắc cạn trên sông Cầu gần bãi của hộ gia đình; sợ tàu chở nguyên liệu trên bị hư hỏng nên chủ tàu đã bốc dỡ và gửi nhờ số nguyên liệu trên tàu lên bãi của hộ dân.

UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu UBND xã Trung Giã đình chỉ việc chứa, trung chuyển nguyên liệu, vật liệu đối với hộ dân tại khu vực ngã 3 sông Công – sông Cầu; xử lý nguyên vật liệu trên bãi trước ngày 5/4.

UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết đã yêu cầu Công an huyện Sóc Sơn kiểm tra, xác minh vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, phòng chống cháy nổ… để xử lý; mời Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý việc chứa trung chuyển vật liệu nghi là lưu huỳnh tại xã Trung Giã.

Được biết, trong ngày 4/4, các phòng, cơ quan chức năng đã lập biên bản ghi nhận đến 10h sáng ngày 4/4, toàn bộ nguyên liệu nghi là lưu huỳnh đã được giải tỏa.

Chủ bãi tập kết nguyên liệu cũng bị phạt hành chính với số tiền là 44 triệu đồng.

Lưu huỳnh có độc không?

Lưu huỳnh khi nhiễm ra nguồn nước sẽ dễ đi vào cơ thể của các loài sinh vật dưới nước (cá, tôm,ốc,…) làm chết các sinh vật này và gây ô nhiễm. Nguy hiểm hơn là khi con người ăn phải các sinh vật bị nhiễm lưu huỳnh có thể bị ngộ độc lưu huỳnh.

Lưu huỳnh khi bị đốt cháy sẽ tạo ra khí lưu huỳnh đioxit (SO2). đây là một chất khí không màu, mùi hắc, rất độc, dễ dàng gây hại cho con người và các loài động vật. Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu hít khí này ở nồng độ cao có thể gây hại đến đường hô hấp.

Các biểu hiện của ngộ độc lưu huỳnh

Theo tổ chức WTO, nồng độ lưu huỳnh trong các sản phẩm không được quá 20mg/1kg. Thế nhưng ở Việt Nam, lưu huỳnh được sử dụng cao gấp nhiều lần cho phép. Khi hít phải lưu huỳnh hay tiếp xúc trực tiếp với khí SO2 sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Đau đầu
Khi hít phải khí SO2 cực kỳ có hại cho sức khỏe. Chúng trực tiếp xâm nhập vào máu làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Do đó, khi hít phải khí này, con người sẽ cảm thấy đau đầu. Mức độ đau phụ thuộc vào lượng SO2 đã hít phải.

Ngạt mũi
Ngoài sản sinh ra khí SO2, khi đốt cháy lưu huỳnh còn sản sinh ra nhiều hạt bụi li ti. Hít phải sẽ gây tắc các đường khí của con người, gây ngạt mũi.

Khó thở
Khi SO2 đi vào trong máu sẽ làm rối loạn các chất trong máu, cản trở quá trình chuyển hóa đường và protein trong cơ thể, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, làm hẹp dây thanh quản gây khó thở

Các bệnh về phổi
Khí SO2 xâm nhập vào cơ thể qua miệng hoặc mũi, chúng sẽ hòa tan cùng với các hạt nước nhỏ tạo thành các hạt axit sunfuric nhỏ xâm nhập vào phổi gây các bệnh về phổi trong đó có viêm phổi, viêm phế quản…

Ngộ độc máu
SO2 khi đi vào máu, sẽ làm giảm độ pH của máu và gây ngộ độc máu cho cơ thể.

Tử vong
Nếu khí SO2 đi vào cơ thể với nồng độ cao sẽ gây ngộ độc máu, hệ thần kinh bị tác động, phổi bị ảnh hưởng, khiến các cơ quan này bị tê liệt dẫn tới tử vong.

Đặc biệt khi sử dụng lưu huỳnh trong thời gian dài rất dễ có thể dẫn tới ngộ độc lưu huỳnh, lâu dài sẽ dẫn tới việc bị rối loạn thần kinh, rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến hô hấp, làm giảm khả năng làm việc của các cơ quan trong cơ thể như phổi, tim, gan… làm giảm thị lực. Ở cấp độ mãn tính, người bệnh xuất hiện tình trạng đau đầu, tức ngực, ngạt mũi, chảy nước mắt.

Khánh Vy (t/h)