Cận đợt nghỉ kéo dài 30/4-1/5, Việt Nam đang gia tăng các biện pháp kiểm soát biên giới Tây Nam vốn bị cho là lỏng lẻo trước nguy cơ lớn dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) có thể tràn vào qua biên giới từ Campuchia, Thái Lan, Lào… và bùng phát theo dòng người nhập cảnh trái phép. 

61 nguoi nhap canh trai phep tu Campuchia ve Viet Nam
61 người (8 trẻ em dưới 16 tuổi) nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam bị phát hiện hôm 20/3. Toàn bộ 61 người là tộc người Chăm, có hộ khẩu thường trú tại huyện An Phú (An Giang). (Ảnh: baoangiang.com.vn)

Tình trạng này được ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch TP.HCM xác nhận tại cuộc họp sáng 23/4 khi cho hay trong vòng một tháng qua, chỉ riêng thành phố này đã phát hiện 108 trường hợp nhập cảnh trái phép, truyền thông trong nước loan tin.

Hiện thành phố này bước sang ngày thứ 69 không có ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tổng số ca mắc kể từ khi dịch bùng phát (từ ngày 23/1/2020) là 246 ca (72 ca bệnh trong cộng đồng, 174 trường hợp nhập cảnh), theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Với đặc tính đông dân nhất nước, chỉ tính riêng khối doanh nghiệp, TP này có khoảng 4 triệu lao động tại hơn 200.000 doanh nghiệp; ngoài ra gần 30.000 nhân viên y tế, người phục vụ; trên 61.000 người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh trong cộng đồng.

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng cho biết tuần qua số ca mắc COVID-19 tại các nước Châu Á và trong khu vực tăng nhanh đến 34% thì nguy cơ và tình trạng nhập cảnh vào Việt Nam qua đường mòn lối mở là rất lớn, nhất là khu vực biên giới Tây Nam. Con số bị phát hiện thấp hơn nhiều so với con số thực tế nhập cảnh trái phép.

Theo đó, các tỉnh, thành phố có biên giới giáp Campuchia được yêu cầu phải kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, chỉ cho người về Việt Nam khi cần thiết và thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly y tế; trường hợp khó khăn thì chính quyền địa phương hỗ trợ về kinh phí phòng chống dịch. “Không được để vì khó khăn mà bà con phải trốn khai báo y tế”, ông Đam nói.

Ông Đam khẳng định những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp đều bị xử lý hình sự: “Tôi xin nhắc lại tất cả trường hợp nhập cảnh phải khai báo y tế. Trường hợp người nhập cảnh trái phép và thân nhân chủ động khai báo chỉ là tình tiết giảm nhẹ, họ vẫn phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.

Ông Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát, tìm cách đơn giản hóa việc khai báo y tế, chỉ thu thập những thông tin thật sự cần thiết để tránh tâm lý ngại khai báo.

Trong đợt nghỉ dài ngày 30/4-1/5, giới chức các tỉnh được yêu cầu siết chặt việc thực hiện quy tắc 5K [Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế], đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng và tại sự kiện tập trung đông người, dù mặt khác, nhiều tỉnh đang thúc đẩy các hoạt động khuyến mãi, quảng bá để thu hút du khách tuyến du lịch nội địa sau thời gian dài kinh tế bị đình trệ.

TT Hun Sen: Campuchia đang ở trên “bờ vực của chết chóc” do số ca COVID-19 tăng

“Chúng tôi đánh giá nguy cơ có thể lây lan dịch từ Campuchia, Thái Lan và một số nơi khác vào khu vực Tây Nam Bộ rất lớn và hiện hữu” – ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế xác nhận tại cuộc họp trước đó, ngày 22/4.

Người mắc COVID-19 vào Việt Nam được phát hiện thấy không chỉ người nhập cảnh trái phép mà cả người nhập cảnh theo đường chính ngạch. “Thậm chí, có lần trong 11 người nhập cảnh về Việt Nam có tới 10 người dương tính”, ông Long nêu ví dụ.

“Chúng tôi luôn đánh giá, tất cả các tỉnh có đường biên giới như Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang… đều là những khu vực rất “nóng” trong tình hình dịch hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để đón bệnh nhân và đã cử chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đến đây hỗ trợ việc thiết lập bệnh viện dã chiến” – ông Long khuyến cáo và đưa thông tin.

bat tam giam 2 bi can nguoi Campuchia to chuc nhap canh trai phep
Phua Lô (30 tuổi) và Bô Mên (26 tuổi) – hai người Campuchia bị Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt giam vì đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, tháng 1/2021. (Ảnh: kiengiang.gov.vn)

Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, tính từ đầu năm 2021, ít nhất 5 vụ nhập cảnh trái phép bằng đường biển bị lực lượng biên phòng phát hiện. Hôm 20/4, 5 phụ nữ Việt Nam bị Bộ đội biên phòng Kiên Giang bắt khi nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc. Nhóm người nói đã trả 1.000 USD/người thuê người chở về Việt Nam bằng tàu để trốn dịch đang bùng phát mạnh tại Campuchia.

Đầu tháng 1, 2 người đàn ông quốc tịch Campuchia bị phía Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam sau khi bị phát hiện chạy vỏ lãi nhận chở thuê 4 phụ nữ Việt Nam làm thuê tại Campuchia trốn về nước, với giá 350 USD/người.

Đây là chưa kể tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thường từ phía Bắc và tiếp tục đi sâu xuống phía Nam rồi tìm đường vượt biên tiếp sang Campuchia. Trong liên tiếp hai ngày 6-7/3, giới chức tỉnh Tây Ninh đã bắt hai nhóm 9 người và 7 người Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, theo đường dây đón xe về Hà Nội, nghỉ ngơi, rồi vào TP.HCM và ra Tây Ninh để vượt biên.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Ấn Độ: Hỏa táng tập thể tại thủ đô khi số người chết vì COVID-19 tăng vọt