Tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Có 26.041 hộ với 97.067 nhân khẩu ở khu vực nông thôn đang thiếu nước sinh hoạt.

hạn hán Bình Thuận, Bình Thuận
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã chính thức ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2.

Theo đó, ông Hai yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán để triển khai các phương án ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán.

Trong đó, cần lựa chọn, tổ chức triển khai các dự án, công trình cấp bách để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; theo dõi chặt chẽ tình hình điều tiết nước từ các hồ chứa để bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn hán cho vùng hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Trong gần 6 tháng qua, tỉnh Bình Thuận hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài khiến dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt, nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh.

Các địa phương trong tỉnh đều đang bị hạn hán, không có nguồn nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc…

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Có 26.041 hộ với 97.067 nhân khẩu ở khu vực nông thôn đang thiếu nước sinh hoạt.

Tính đến ngày 15/4, tổng lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh 31,34/259,38 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế (đạt 12,08%); lượng nước trữ tại hồ thủy điện Đại Ninh 33,79/251,73 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế(đạt 13,42%) và hồ thủy điện Hàm Thuận 238,78/522,50 triệu m3 (đạt 45,70%).

Vụ Đông Xuân năm 2019- 2020, toàn tỉnh phải cắt giảm hơn 15.000 ha diện tích sản xuất để ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm. Vụ Hè-Thu năm nay, tỉnh chỉ gieo trồng tại khu vực Đồng bằng sông La Ngà với tổng diện tích khoảng 12.000ha.

Nhiều nơi, người dân phải đi chở nước hoặc mua nước từ nơi khác với giá từ 80.000 – 120.000 đồng/m3 để dùng cho sinh hoạt, ăn uống và cho gia súc, gia cầm uống.

Hoàng Minh