Bên cạnh các quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân (CCCD), thông qua báo cáo do Bộ Công an ký trình, Chính phủ khẳng định bộ này có các thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin trên thẻ, có sự đồng ý của chủ thẻ thông qua xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt.

bo cong an khai thac thong tin tren the can cuoc phai duoc nguoi dan do dong y 0
Công an đến nhà dân làm thẻ CCCD, Cao Bằng, năm 2023. (Ảnh: congan.caobang.gov.vn)

Người dân đồng ý thông qua xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt”

Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước.

Về việc sửa đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Chính phủ giải thích là để bao quát các đối tượng, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Thông tin cá nhân được tích hợp qua hai cách. Một là nạp thông tin tích hợp vào chip, mã QR code trên thẻ căn cước khi người dân thực hiện thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Với biện pháp này, người dân không mất phí làm thẻ căn cước lần đầu mà thanh toán phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Cách thứ hai là nạp thông tin tích hợp vào căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD), “thực hiện trực tuyến, không tổn chi phí”, theo nội dung báo cáo.

Đối với việc khai thác thông tin trên thẻ CCCD, Chính phủ khẳng định Bộ Công an có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chip.

Theo nội dung báo cáo, chỉ có thiết bị chuyên dụng đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mới có thể khai thác được thông tin tích hợp trong thẻ căn cước. Thiết bị này sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã sổ riêng, truy nguyên được chủ thể sử dụng.

Ngoài ra, việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc này phải được người dân đó đồng ý thông qua xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng di động VNelD.

Trong trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước, nếu bị người khác sử dụng thẻ căn cước trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp vì phải được chủ thẻ xác nhận trên thiết bị chuyên dụng hoặc ứng dụng VNelD – theo nội dung báo cáo.

Đầu tư thiết bị chuyên dụng cho các cơ quan Nhà nước

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ khẳng định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ giúp cơ quan Nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính; không phải in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân.

Điều này giúp giảm thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do người dân cung cấp khi giải quyết thủ tục hành chính, giảm nhân lực giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân.

Phía người dân, doanh nghiệp được cho là sẽ giảm được thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính; không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ.

Nêu ví dụ, báo cáo nêu một số chi phí như chi phí để cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng, chi phí để cấp đăng ký xe là 30.000 đồng, chi phí để sản xuất, cấp văn bằng, chứng chỉ trung bình 10.000-50.000 đồng/văn bằng, chứng chỉ; chí phí để sao y, chứng thực, công chứng từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/trang…

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước không đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước, Chính phủ cho biết có thể lựa chọn các cách thức khác để khai thác thông tin của người dân qua kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công…

“Về cơ bản, Bộ Công an đã bảo đảm các yêu cầu để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa số liệu, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đồng thời đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống, mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu công tác”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, so với Luật hiện hành đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều. Dự kiến dự thảo được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10).