Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Y tế xem xét rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học”.

rut ngan xet nghiem hoc sinh
Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Y tế xem xét rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn)

Theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT, đến ngày 16/2, tổng số học sinh học trực tiếp sau Tết Nguyên đán là 21.001.019/22.409.817, chiếm tỷ lệ 93,71%.

54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. 9 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.

Theo kế hoạch, từ ngày 21/2, ở cấp mầm non, 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Còn 4 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể.

Đáng chú ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca (chiếm 1,76%), Hà Tĩnh 675 ca (chiếm 0,24%), Nghệ An 298 ca (chiếm 0,08%), Thanh Hoá: 2.359 ca…

Do đó, nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Nhiều trường học còn lúng túng khi xử lý học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trực tiếp. Có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng đến trường khi phát hiện F0 trong một lớp học.

Một số địa phương còn yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường, phần kinh phí do phụ huynh chi trả, gây ra những phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hoá, Bà Rịa – Vũng Tàu). Tuy nhiên, “các chuyên gia y tế, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và có yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm 100% học sinh, đặc biệt không cần thiết xét nghiệm với trẻ em mầm non”, Bộ Giáo dục cho hay.

Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 tại công văn số 10696 ngày 16/12/2021 và công văn số 647 ngày 16/11/2021 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học. Ngoài ra cần ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp.

Báo cáo của Bộ Giáo dục cho biết trong đợt bùng phát dịch thứ tư (từ 27/4/2021 đến nay), toàn ngành ghi nhận gần 163.000 cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19; riêng học sinh, sinh viên là hơn 135.000.

Văn Duy

Xem thêm: