Dư luận Việt Nam xôn xao trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải muốn đổi tên “xe buýt” thành “xe khách đường phố”.

xe buyt
“Xe buýt” vốn gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam mấy chục năm nay. (Ảnh: Shutterstock)

Cụ thể, theo Điều 3 “Giải thích từ ngữ”, tại Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): “Xe ô tô khách thành phố là xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên, kể cả người lái, có kết cấu và trang bị để vận chuyển hành khách trong thành phố và vùng lân cận; trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.

Tại Hội thảo góp ý về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do đoàn đại biểu TP.HCM tổ chức hôm 30/9, nhiều ý kiến cho rằng thuật ngữ “xe khách đường phố” là khá lạ lẫm với người dân, không gần gũi thực tiễn nên đề nghị giữ nguyên tên gọi “xe buýt”.

Tờ Kinh tế và đô thị trong bài viết “Đề xuất đổi tên xe buýt thành xe khách đường phố: Đổi tên để làm gì?” vào hôm 7/10, đặt câu hỏi: “Chẳng hiểu mục đích mà đơn vị soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi hướng đến khi đưa ra đề xuất này là gì”, trong khi tên gọi “xe buýt” vốn gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam mấy chục năm nay.

Tờ báo cũng nhận định Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang quá chú trọng vào vấn đề câu chữ mà quên đi nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách của mình mới là quan trọng nhất.

“Liệu rằng cố gắng đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố” có giúp loại hình vận tải công cộng này được tốt hơn trước hay không? Cần phải nhớ rằng, đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT sa đà vào những vấn đề “thay tên đổi họ” cho những loại hình dịch vụ trong lĩnh vực của mình.

Cách đây không lâu, chính cơ quan này trở thành tâm điểm của những chỉ trích khi hết lần này đến lần khác tìm cách đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” rồi sau đó là “trạm thu tiền”.

Trong khi vào thời điểm đó (thậm chí là đến tận bây giờ), những vấn đề bất cập, sai phạm của các trạm thu phí BOT vẫn còn vô cùng nhức nhối. Thay vì tập trung nghiên cứu, tìm phương án tháo gỡ vấn đề BOT thì Bộ GTVT là cố gắng “thay tên đổi họ” các trạm BOT.

Đã từng có không ít ý kiến thắc mắc về mục đích thật sự của Bộ GTVT đằng sau những lần “đuổi hình bắt chữ” này. Lời giải thích được đưa ra cũng nhiều nhưng có vẻ chẳng lần nào được dư luận và người dân đón nhận một cách tin tưởng.

Hiện tại, tên gọi “trạm thu phí” vẫn được giữ nguyên. Đối với câu chuyện xe buýt hay “xe khách thành phố” có lẽ cũng sẽ cùng chung một kết quả như vậy. Bởi chưa cần nghe lời giải thích của Bộ GTVT, chỉ nghe qua thuật ngữ mới đã cảm thấy không thuận tai. Còn riêng với Bộ GTVT, nếu cơ quan này vẫn còn giữ nguyên “đam mê” với việc đi tìm thuật ngữ để “thay tên đổi họ” cho những khái niệm vốn đang quen thuộc trong lĩnh vực của mình thì chừng đó những vấn đề bất cập về mặt chuyên môn trong lĩnh vực GTVT sẽ chẳng bao giờ được giải quyết một cách triệt để”, tờ báo viết.

Trước ồn ào của dư luận, hôm 8/10, trả lời báo chí, đại diện Bộ khẳng định: “Tên gọi xe buýt vẫn giữ nguyên, song xét về loại hình phương tiện kinh doanh thì xe buýt nội đô sẽ là loại xe ô tô khách thành phố theo QCVN 2015, chứ không phải thay đổi tên xe buýt sang xe khách thành phố. Luật Giao thông đường bộ trước đây không quy định cụ thể loại hình phương tiện với xe buýt, song với dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi chỉ nói rõ hơn về quy định phương tiện loại hình vận tải là xe buýt”.

Tờ Lao động cho hay phát triển xe buýt như một dịch vụ công cộng để giảm tải ùn tắc, khuyến khích thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong dân đang luôn là một nan đề. Và kết quả, ở cả Hà Nội và TP.HCM đang là những thất bại thảm hại.

Ở Hà Nội, xe buýt phát triển chưa nổi 1% mỗi năm, chỉ đáp ứng được có 16% nhu cầu đi lại của dân. Tốc độ vận hành ngày càng giảm khi đại đa số các tuyến đều chậm từ 10-20 phút. Còn BRT, nó thật sự là một cơn ác mộng cho các tuyến đường khi vừa không làm giảm tải, thậm chí, trở thành một trong những nguyên nhân gây ùn tắc.

Ở TP.HCM, xe buýt đã đến mức “nguy kịch” với nhiều tuyến mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách. Không ít doanh nghiệp xe buýt lay lắt, dặt dẹo đến mức ngừng hoạt động.

Kim Long