Sau 3 năm bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tới nay, các đại biểu Quốc hội xác nhận vẫn chưa hoàn tất việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19.

bo truong bo y te chua thanh toan xong chi phi y te 3 nam dich covid 19 do phuc tap
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình tại cuộc họp chiều 7/1/2023. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 7/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 với các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết đến nay, việc chi hỗ trợ cho các lực lượng địa phương thực hiện xét nghiệm, tiêm vắc-xin, các biện pháp kiểm soát dịch vẫn chưa được thực hiện, hoặc chi trả hỗ trợ chưa đầy đủ.

Ngoài ra, bà Phúc cho biết nhiều đoàn công tác từ các địa phương, các bệnh viện trung ương đã tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện công tác phòng chống dịch. Theo đó, bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị

Tương tự, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu băn khoăn tại sao việc thanh toán chế độ phòng chống dịch bệnh COVID-19 lại chậm và cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân gây nên việc chậm thanh toán này.

Nêu vấn đề cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhắc lại thời điểm dịch bệnh COVID – 19 diễn ra phức tạp trên thế giới, đặc biệt với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, số ca nhiễm tăng rất nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca – 5.000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phát đồ điều trị chưa có. Vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ nhân lực y tế quá tải.

Các vấn đề đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.

Ông Ngân thừa nhận Nghị quyết 30 và 6 Nghị quyết của Quốc hội, 10 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp việc kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả, huy động được nhiều lực lượng tuyến đầu tham gia tại giai đoạn cao điểm.

Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, ông Ngân lưu ý cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung tại Nghị quyết 30, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.

Tuy nhiên, ông Ngân cho hay việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID – 19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID – 19 sắp tới dự thảo Nghị quyết nên quy định các thủ tục phải đơn giản, rút gọn.

“Việc chậm thanh toán đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch”, ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo. Ông Ngân đề nghị tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường việc phân tích, dự báo phòng ngừa các dịch bệnh.

Tiếp nhận liên tiếp các phản ánh về việc chưa chi trả/chưa trả đủ chi phí phòng chống dịch COVID-19, bà Đào Hồng Lan, người vừa được Quốc hội bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 hồi hạ tuần tháng 10 cho hay nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn là do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích thêm các bất cập và nguyên nhân về những vướng mắc hiện nay, cũng như  các vấn đề tồn đọng về các chế độ, chính sách.

Bà Lan thừa nhận các hoạt động phòng dịch, chữa trị, ứng phó tình huống phát sinh trong đại dịch COVID-19… tới nay chưa được tổng kết.

“Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch. Từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới”, bà Lan cho hay.

Dư gần 5.017 tỷ đồng chi phí phòng dịch COVID-19 năm 2021 tại 24 tỉnh thành

Trong chiều 7/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép 24 tỉnh, thành phố được chuyển nguồn kinh phí 5.016,674 tỷ đồng chi cho phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022. Khoản kinh phí này sẽ chi cho phòng chống dịch COVID-19 trong năm 2022.

Ông Phớc cho biết nguồn kinh phí dự định chuyển này do 24 địa phương đề nghị. Đây là khoản kinh phí đã được phân bổ cho các địa phương này nhưng còn dư trong dự toán ngân sách năm 2021.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách, cho biết theo Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí cho phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương không thuộc trường hợp được chuyển nguồn. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận thấy việc bố trí nguồn cho phòng chống dịch năm 2022 là cần thiết, nên đồng ý với đề xuất của Chính phủ.

Với các địa phương chưa có báo cáo về số tiền phòng, chống dịch năm 2021 còn dư, ông Cường cho hay đề nghị cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương; địa phương tự sắp xếp nguồn lực để chi, không bổ sung ngân sách trung ương.

Việc chuyển nguồn trên sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ và quyết định biểu quyết tại phiên bế mạc ngày 9/1.

Sơn Nguyên