“Biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước…  Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước…” – Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định khi số ca nhiễm virus Vũ Hán đã vượt trên 38.600 ca vào sáng ngày thứ 79 của đợt bùng phát lần thứ 4.

xet nghiem covid 19 quan 5
Dân cư ngụ tại phường 10 (quận 5, TP.HCM) trong lần lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đợt 2, sáng 15/7. (Ảnh: Tôi là dân quận 5/Facebook)

Tại hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống Covid-19 với 63 tỉnh thành phố, sáng 16/7, người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam cho rằng đặc tính lây lan nhanh, mạnh của virus Vũ Hán biến chủng Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) là nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng dịch vượt tầm kiểm soát.

“Các đợt dịch trước chỉ một đến một tháng rưỡi là kết thúc. Biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước” – theo ông Long.

Điều này được lý giải do tốc độ bám dính của biến chủng Delta đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

“Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây”, ông Long cho hay. “Với tốc độ lây lan nhanh, trong đợt dịch này, chỉ một người trong nhà nhiễm là hầu như các thành viên trong gia đình nhiễm”.

Ngoài đặc tính của biến chủng virus, ông Long thừa nhận việc ngăn chặn dịch có “kết quả chưa được như mong muốn” dù nhiều cố gắngTheo ông Long, người dân đi lại vẫn nhộn nhịp, cửa hàng siêu thị vẫn mở dù Chỉ thị 16 quy định chỉ mở các dịch vụ thiếu yếu như thực phẩm, thuốc men. Chợ vẫn họp đông thì không thể chấm dứt chuỗi lây nhiễm được. Còn các khu công nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế.

“Có địa phương chưa kiểm tra, chưa giám sát, chưa xét nghiệm, đặc biệt là tâm thế chuẩn bị cho tình hình dịch lan rộng kéo dài còn rất lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm” – ông Long chỉ trích, trang Sức khỏe Đời sống dẫn tin.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định đợt dịch này kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các tỉnh miền Nam. Các tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đang đối mặt với sự bùng phát rất phức tạp, có thể tăng các ca nhiễm và ca tử vong trong thời gian tới.

Lấy test nhanh làm chủ đạo, khuyến nghị lập khu ICU tại các bệnh viện dã chiến

Ngành y tế Việt Nam đang đưa ra một số thay đổi cơ bản trong việc điều trị, cách ly và xét nghiệm. Việc giảm thời gian cách ly tập trung từ 21 ngày còn 14 ngày; thí điểm cách ly F1 tại nhà; phân nhóm để theo dõi F0 tại nhà được Bộ Y tế ra hướng dẫn chính thức vào ngày 14/7.

Vào sáng 16/7, nhiều thay đổi lớn tiếp tục được Bộ Y tế công bố. Chiến lược xét nghiệm được thay đổi như sau: trước xét nghiệm Realtime RT-PCR là chính, nay test nhanh là chính. Điều này được công bố là giúp giảm thời gian, tối ưu hóa xét nghiệm, trả kết quả nhanh để nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng.

Ngoài ra, để tiết kiệm và tăng tốc độ, Bộ Y tế chính thức cho phép gộp mẫu trong test nhanh ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao. Các tỉnh thành được phép gộp mẫu 3, 5 trong một lần test nhanh, tùy vào điều kiện, kỹ thuật lấy mẫu.

Chiến lược điều trị được thay đổi theo mô hình phân tầng, theo các khu vực:

Thứ nhất, bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng sẽ được điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh.

Thứ hai, bệnh nhân có triệu chứng sẽ được chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế.

Thứ ba, bệnh nhân nặng, rất nặng sẽ được chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến có đơn vị điều trị hồi sức tích cực (ICU).

Đáng lưu ý, Bộ Y tế Việt Nam đang khuyến nghị các tỉnh thành lập khu Chăm sóc tích cực (ICU) tại các bệnh viện dã chiến. “Chúng tôi khuyến nghị các địa phương thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện” – ông Long lý giải.

Bộ Y tế cũng công bố Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, bộ này cho hay do vắc-xin khan hiếm trên toàn cầu nên có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thỏa thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay Việt Nam mới bắt đầu nhận được những lô vắc-xin trên. Bộ Y tế cho hay tình trạng nguồn cung vắc-xin hạn chế sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.

Minh Sơn

Xem thêm:

Sáng 16/7: TP.HCM tăng 1.071/1.438 ca COVID-19 mới; ‘Không loại trừ lây chéo trong khu cách ly’