Đề xuất thay thế hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng việc cấp mã số định danh cá nhân của công dân nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

bo truong to lam
Bộ trưởng công an Tô Lâm. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành.

Đồng thời, dự thảo mới cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; trách nhiệm xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; trách nhiệm cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú…

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Trong đó, có 7 nhóm thủ tục được bãi bỏ toàn bộ, gồm: cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú.

Còn gần 80 triệu công dân chưa cấp số định danh cá nhân

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đồng ý phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, theo Ủy ban này, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công an, việc này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Cân nhắc xóa đăng ký thường trú

Dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú, trong đó có trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu công dân trở về địa phương sinh sống tại nơi đăng ký thường trú ban đầu sẽ được đăng ký lại.

Báo cáo thẩm tra cho rằng việc xóa đăng ký thường trú như dự thảo luật sẽ khắc phục tình trạng quản lý cư trú ảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành quy định nêu trên vì cư trú là quyền cơ bản của công dân, nên xóa đăng ký thường trú có thể tác động tiêu cực tới quyền lợi của người dân.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết các ý kiến này đề nghị cần cân nhắc kỹ, chỉ nên quy định xóa đăng ký thường trú của công dân trong trường hợp thật cần thiết.

Phạm Toàn