Trả lời trên Sức Khỏe & Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định bộ này “chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh”. Cùng ngày, Bộ này ra văn bản yêu cầu các bệnh viện, địa phương “chấn chỉnh hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm vật tư, thiết bị”.

gia test nhanh
Một người đàn ông đang để nhân viên y tế đưa que thử vào mũi để lấy dịch, test nhanh COVID-19, trong các đợt xét nghiệm cộng đồng tại TP.HCM, tháng 9/2021. (Ảnh minh họa: HCDC)

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh công luận đặt nhiều nghi vấn về giá test nhanh kháng nguyên trong nước đang bị áp giá cao gấp nhiều lần, khi so sánh với giá test bán ở nước ngoài.

Trong bài phỏng vấn do báo Sức Khỏe & Đời Sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) thực hiện và đăng ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

“Cho đến nay Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh” – ông Thuấn khẳng định, cho hay test kháng nguyên nhanh sử dụng trong thời gian qua là do các đơn vị, địa phương mua sắm đấu thầu theo quy định, dù cho rằng đa số test đó là từ nguồn tài trợ.

“Tuy nhiên theo tôi được biết các đơn vị chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ như TP.HCM vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Ngay như Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương.” – ông Thuấn nói.

Ông Thuấn cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm), trong đó yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị chịu trách nhiệm công bố giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá trên cổng thông tin do Bộ Y tế quản lý.

Việc đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá hiện mới đang được Bộ này tổng hợp ý kiến để đề xuất.

Trong một bản tin do báo này đăng cùng ngày, giá xét nghiệm được Bộ Y tế tính như sau: trước ngày 1/7, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Từ ngày 1/7, đối với test nhanh, ông Thuấn cho biết do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế yêu cầu thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Về mức giá của gộp mẫu, Bộ Y tế quy định mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu; mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp (ví dụ, nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10…).

Cùng ngày 28/9, Bộ Y tế ra công văn gửi các Sở Y tế, các bệnh viện và các địa phương đề nghị “xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19”.

Bộ Y tế giao Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ lập kế hoạch hoặc tư vấn cho cấp có thẩm quyền triển khai mua sắm hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm…, không để xảy ra thiếu vật tư, thiết bị trong dịch; sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện… phục vụ phòng ngừa dịch COVID-19 đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… hoặc lợi dụng các hoạt động phòng ngừa dịch để trục lợi; tăng kiểm tra, giám sát các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là thuốc giả, thuốc kém chất lượng, lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá thuốc thu lợi bất chính…

Từ tháng 7 đến cuối tháng 9, Bộ Y tế đã cập nhật lần 8 danh sách các loại test xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 được cấp phép sử dụng.

Trong tháng 7, Bộ Y tế cập nhật 16 loại:

7 loại được công bố ngày 13/7  (cập nhật lại bản ngày 2/7), trong đó có 5 loại của Hàn Quốc, 1 loại của Nhật Bản; giá thấp nhất là 152.000 đồng/test, chưa tính thuế giá trị gia tăng 5% (Hàn Quốc), cao nhất 190.000-200.000 đồng/test (Nhật Bản).

1 loại sản xuất trong nước (Hà Nội), có giá 135.000 đồng/test (giữ nguyên mức giá).

5 loại được công bố ngày 20/7, gồm 4 loại của Hàn Quốc, 1 loại của Mỹ; giá thấp nhất 116.800 đồng/test, cao nhất 175.000 đồng/test (cùng của Hàn Quốc).

4 loại được công bố ngày 28/7, gồm 1 loại của Trung Quốc, 1 của Pháp, 1 của Đài Loan, 1 của Hàn Quốc; giá thấp nhất 135.000 đồng/test (Pháp), cao nhất 185.000 đồng/test (Trung Quốc).

Tháng 8, Bộ Y tế cập nhật thông tin về 7 loại, công bố ngày 23/8, gồm 3 loại của Hàn Quốc, 2 loại của Trung Quốc và 2 loại của Pháp. Giá thấp nhất 79.800 đồng/test (Trung Quốc), cao nhất 178.080 đồng/test (Hàn Quốc).

Sang tháng 9, Bộ Y tế cập nhật 31 loại nhập khẩu:

27 loại được công bố ngày 20/9, gồm 11 loại của Hàn Quốc, 1 Nhật Bản, 1 Áo, 4 Trung Quốc, 1 Mỹ, 1 Đài Loan, 3 Pháp, 1 Đức, 1 Malaysia, 1 Thổ Nhĩ Kỳ. Giá thấp nhất 53.500 đồng/test (Trung Quốc), cao nhất 250.000 đồng/test (Hàn Quốc).

4 loại được công bố ngày 21/9, gồm 1 Trung Quốc, 1 Áo, 1 Phần Lan, 1 Đức. Giá thấp nhất 125.000 đồng/test (Áo), cao nhất 189.000 đồng/test (Phần Lan).

(* Một số loại trong các bản công bố là cập nhật giá mới)

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam: Bộ test chỉ 100 ngàn đồng nhưng giá test lại 280 ngàn đồng