UBND tỉnh Cà Mau dự kiến thuê trực thăng để bay khảo sát khu vực ven biển nhằm thu thập tình hình tác động tiêu cực của biến đối khí hậu, nước biển dâng đối với các khu vực của tỉnh.

sat lo ca mau
Biển báo “Khu vực thường xảy ra sạt lở” ở huyện Nam Căn, Cà Mau. (Ảnh: Gia Bảo)

Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi Công ty Trực thăng miền Nam về việc thuê máy bay trực thăng để khảo sát một số khu vực trong tỉnh.

Dự kiến, UBND tỉnh sẽ thuê trực thăng khảo sát từ khu vực điện gió Bạc Liêu bay dọc theo đê biển Đông, đê biển Tây đến khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang, sau đó bay về khảo sát vườn quốc gia U Minh Hạ. Kết quả của chuyến khảo sát sẽ giúp các cơ quan chức năng có những nghiên cứu và xây dựng các biện pháp khắc phục phù hợp.

Chuyến bay sẽ có sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn và một số địa phương vùng ven biển, vùng rừng.

Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho hay hiện văn phòng vẫn chưa dự trù được nguồn kinh phí thuê trực thăng vì còn phải trao đổi với Công ty Trực thăng miền Nam.

Là tỉnh có ba mặt tiếp giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km và trên 10.000 km sông rạch kênh mương các cấp chịu ảnh hưởng của nhật triều và bán nhật triều không đều của biển Đông và biển Tây, cùng với ảnh hưởng của mực nước biển dâng, trong nhiều năm qua, tình trạng sạt lở ven sông, ven biển tại Cà Mau diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, tỉnh có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Ở bờ biển Tây, tốc độ sạt lở bình quân 20 – 25 m/năm, có nơi lên đến 50 m/năm; ở bờ biển Đông, tốc độ sạt lở bình quân là 40 – 50 m/năm.

Mỗi năm, Cà Mau có khoảng 450 ha đất bờ biển bị mất do sạt lở. Từ năm 2009 đến năm 2016, 3.880 ha rừng phòng hộ ven biển của tỉnh bị xói lở nặng nề.

Hiện Cà Mau và các tỉnh khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang tìm kiếm các giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở cùng nhiều vấn đề kinh tế – xã hội khác liên quan.

Hải Anh

Xem thêm: