Gần đây, hình thức mời gọi làm “cộng tác viên của TikTok, Zalo hay Điện máy xanh” hoặc “việc nhẹ lương cao” đã khiến không ít người bị lừa, bị chiếm đoạt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

shutterstock 781107184
(Ảnh minh họa: Artem Oleshko/ Shutterstock)

Qua hình thức tuyển cộng tác viên online cho các sàn thương mại điện tử, thời gian qua đã có không ít người dân bị sập bẫy từ chiêu lừa đảo này.

Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu việc làm kiếm thêm thu nhập, người nhẹ dạ cả tin.

Người dân thường xuyên bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào làm “cộng tác viên của TikTok, Zalo hay Điện máy xanh” hoặc “việc nhẹ lương cao”. 

Hình thức lừa đảo này có điểm chung là mời làm việc để có thêm thu nhập với công việc rất đơn giản như chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok, YouTube hoặc ấn theo dõi, thả tim các video, được làm việc tại nhà, thu nhập tốt, có nhân viên hướng dẫn tận tình cụ thể, với lời quảng cáo có thể dễ dàng kiếm được từ 200.000 – 400.000 đồng/ngày.

Thời gian đầu, những người lừa đảo này trả lương rất đầy đủ để tạo niềm tin với nạn nhân, sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương. Lúc này, kẻ lừa đảo bắt đầu thực hiện các chiêu trò dẫn dắt để lừa nạn nhân, chiếm đoạt tài sản.

Rất nhiều người cả tin đã vô tình dính vào chiêu trò này, mất trắng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Gần đây, một thanh niên ở quận Long Biên vừa bị mất gần 200 triệu đồng vì chiêu trò này.

Cụ thể, anh T. (SN 1991, ngụ quận Long Biên, Hà Nội) trình báo ngày 22/4 vừa qua, anh nhận được lời mời quảng cáo làm cộng tác viên của Lazada (công ty thương mại điện tử, chuyên bán hàng trên mạng), mức hoa hồng được hưởng là từ 5-10%.

Sau đó, anh T. được hướng dẫn làm nhiệm vụ để được hưởng tiền hoa hồng. Với “mồi nhử” là mức thù lao hậu hĩnh, anh T. bị dẫn dắt đến khi chuyển gần 200 triệu đồng rồi mà vẫn nhận kết quả không hoàn thành nhiệm vụ để rút tiền. Phát hiện mình bị lừa, anh T. đã trình báo sự việc đến Công an phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Chị Mai Ngọc (nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh) cho biết, bản thân chị thường xuyên mua sắm trên mạng nên chị không thể không nghe những cuộc gọi từ số lạ, vì có thể cuộc gọi đó là của bên giao hàng. 

Chị Ngọc chia sẻ “Ngày nào tôi cũng nhận 2 – 3 cuộc gọi lừa đảo. Đáng nói, ngay khi tôi từ chối và nói rằng không có nhu cầu, nhóm người này lập tức đáp trả bằng những lời lẽ thô tục, chửi bới, thậm chí là đe dọa“.

Mặc dù chị Ngọc đã sử dụng một số phần mềm để chặn cuộc gọi rác, nhưng hiệu quả vẫn không như ý.

Ngày 15/4 vừa qua, các nhà mạng đã khóa 2 chiều đối với hàng loạt thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin nhưng vấn đề về SIM rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn chưa được kiểm soát.

Thạch Lam