Các báo cáo giám sát chống ngập tại TP HCM đều chưa chỉ ra được cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, trong khi các dự án chống ngập hiện nay được thực hiện rất chậm, tình trạng ngập nước vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. 

IMG 4144
Cảnh ngập ở Q. Gò Vấp, TP HCM (Ảnh: trithucvn)

Báo cáo tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX về kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM cho biết, chính quyền TP HCM đã hoàn thành việc khắc phục 22 tuyến đường bị ngập do mưa, đạt 59,6% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 -2020, đang tiếp tục thực hiện 15 tuyến, chưa triển khai thực hiện 3 tuyến (dự kiến chuyển tiếp sau 2020).

Ngoài ra, cũng đã giải quyết được 5 tuyến ngập do triều cường, đạt 55,5% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020, đang tiếp tục thực hiện 4 tuyến. 

Đại biểu Trương Trung Kiên cho rằng đa số các dự án bị chậm tiến độ. Mục tiêu giải quyết các tuyến ngập do mưa, do triều, xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó thể hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2020 theo kế hoạch.

Ông Kiên cũng chỉ rõ những nguyên nhân của các hạn chế tồn tại trên, trong đó có những nguyên nhân đến từ công tác quản lý thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Nhiều công trình nhà ở, cơ sở sản xuất xây dựng trên và ven kênh, rạch, lấn chiếm các cửa xả và hành lang an toàn sông, kênh, rạch chưa được xử lý dứt điểm. Hầu hết các dự án chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. 

Đánh giá về báo cáo giám sát các dự án chống ngập, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nguyên nhân dẫn tới dòng chảy bị ách tắc là do hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm và xả rác gây tắc nghẽn. Ở một số nơi, cơ quan nhà nước để người dân lấn chiếm hết cả kênh rạch.

“Vấn đề này đã đặt ra nhiều năm, báo cáo giám sát chưa chỉ ra được vì sao chưa giải quyết được tình trạng lấn chiếm và xả rác ra kênh rạch. Nguyên nhân để tồn tại như vậy trách nhiệm thuộc về ai? Chưa chỉ ra được cơ quan nào chịu trách nhiệm, chúng ta không nên né tránh nữa, khi chỉ ra được cơ quan chịu trách nhiệm thì mới tích cực làm dứt điểm. Chứ báo cáo chung chung, nói là xử lý nghiêm nhưng ai xử lý thì chưa chỉ ra được,” bà Quyết Tâm nói.

Đại biểu Lê Minh Đức cho rằng hệ thống thoát nước hiện chưa theo kịp với sự phát triển đô thị, việc bổ sung quy hoạch còn chậm dẫn đến nhiều tuyến đường không có hệ thống thoát nước.

Ông cũng đặt câu hỏi quy hoạch có các hồ điều tiết chống ngập, đến nay đã xây dựng được bao nhiêu hồ, khi nào sẽ xây hết các hồ điều tiết?

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TPHCM nhìn nhận phải sử dụng đến các hồ điều tiết (ngầm hoặc hở) để làm nơi trữ nước tạm thời, đến khi hết mưa thì bơm từ từ ra kênh rạch, đổ ra sông. Đây là cách mà các TP lớn trên thế giới đã làm từ lâu. Ngoài ra cần giải pháp tổng thể bao gồm việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều.

Tuy nhiên theo quy hoạch thoát nước mưa (Quyết định 752/QĐ-TTg) đến năm 2020, TP HCM xây dựng tới 104 hồ điều tiết. Ngoài hồ điều tiết ngầm thí điểm trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.

Phản hồi các ý kiến của các Đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan giải thích, chống ngập là bài toán rất nan giải. Hiện nay, TP HCM đối điện với những cơn mưa lớn, kéo dài đồng thời triều cường không ngừng dâng cao; mặt đất lún là những áp lực lớn đối với thành phố trong việc giải quyết ngập. Ông Hoan cũng thừa nhận công tác quản lý Nhà nước về chống ngập có điểm chưa được tốt.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: