Tình trạng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) gây ô nhiễm, khiến cuộc sống người dân tại khu vực này bị ảnh hưởng trầm trọng là câu chuyện không còn “xưa nay hiếm”. Mới đây nhất, Bộ TN-MT Việt Nam tiếp tục công bố thông số bụi ở đây đã vượt 1,19-1,63 lần; tiếng ồn vượt 1,05 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

nhiet dien vinh tan
Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận vào tháng 9/2017. (Ảnh: Lưu Tâm)

Truyền thông trong nước vừa đưa tin kết quả kiểm tra từ Bộ TN-MT về tình trạng bụi, tiếng ồn phát ra tại khu vực nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), sau khi có phản ánh của người dân.

Kết quả kiểm tra cho thấy bụi, tiếng ồn phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh thôn Vĩnh Phúc, thôn Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong).

Cụ thể, thông số bụi vượt 1,19 – 1,63 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng không khí xung quanh. Còn tiếng ồn vào ban đêm của các nhà máy vượt khoảng 1,05 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Báo chí Việt Nam cũng truyền tải lại thông tin từ Bộ TN-MT rằng, Bộ đã yêu cầu các nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân thực hiện những giải pháp khắc phục, kiểm soát tình hình.

Xin nhắc lại, hồi tháng 4/2015, người dân nơi đây đã chặn xe cộ lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Vĩnh Tân để phản đối nhà máy nhiệt điện.

Hồi đầu năm 2019, người dân tại khu vực nhà máy điện Vĩnh Tân tiếp tục phản ánh bức xúc khi phải sống trong tình cảnh tro, bụi đen xuất hiện dày đặc trong nhiều ngày, khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Báo Thanh niên thời điểm đó dẫn lại lời ông Phó chủ tịch huyện Tuy Phong Nguyễn Trung Trực trong buổi họp giữa EVN và tỉnh Bình Thuận, khẳng định rằng “việc xuất hiện tro bụi đen trong nhà dân là có thật” nhưng “chưa biết là của ông nào!”.

Còn ông Vũ Thanh Hải, Phó giám đốc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thì đổ lỗi nguyên nhân xuất hiện tro bụi màu đen là do titan rơi vãi từ một xe vận tải vận chuyển titan từ Lương Sơn – Bắc Bình đến cảng Vĩnh Tân, chứ không phải do nhà máy này gây ra.

Ông Lương Văn Hải, phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận lúc đó yêu cầu: “Các nhà máy cần lưu ý, đây là mùa khô, gió ở Tuy Phong mùa này rất mạnh. Các nhà máy phải đặc biệt quan tâm việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không được để tro bụi phát tán sang khu dân cư”.

Thế nhưng, đến cuối năm 2019, báo Zing trong một bài viết mô tả lại đời sống của người dân xung quanh khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân thì cho thấy, họ vẫn phải chịu cuộc sống khó khăn không những do khói bụi, tiếng ồn mà họ còn phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn vì cá chết.

Bài báo tường thuật lại ý kiến của người dân rằng, sau vụ tụ tập đông người năm 2015, lãnh đạo nhà máy và chính quyền địa phương cam kết với người dân sẽ sử dụng xe bồn kín để vận chuyển tro, nhưng hàng ngày vẫn có những chuyến xe ben chở tro, xỉ than được che chắn sơ sài hoạt động.

Hay, nhiều người dân đóng kín cửa vẫn không hết bụi. Bụi bám dày đặc trên mái tôn khiến nguồn nước mưa tại đây đục ngầu không sử dụng được. Tỉnh Bình Thuận đã phải khuyến cáo dân gần khu vực bãi xỉ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không nên dùng nguồn nước ngầm để sinh hoạt.

“Khi dự án nhiệt điện này hoạt động, khiến lượng cá tôm gần bờ ngày một ít. Nhiều ngư dân phải đi lặn hoặc đánh bắt xa bờ, thậm chí nhiều người phải bỏ đi xứ khác để làm ăn”, tờ báo viết.

Cũng nhắc lại, hồi năm 2019, mạng xã hội xôn xao khi chính quyền huyện Tuy Phong không cho các trường trong khu vực nhận 1.200 khẩu trang Nano, do một nhóm các nhà thiện nguyện gây quỹ để trẻ em bảo vệ sức khỏe khỏi bụi than.

Theo Facebook của nhà báo tự do Mai Quốc Ấn, vào thời điểm này, những người dân địa phương “rất muốn nhận khẩu trang cho con em họ”, tuy nhiên đại diện huyện Tuy Phong lấy lý do là “nơi này không còn ô nhiễm nữa, nhận khẩu trang thì sợ bị thế lực thù địch lợi dụng”, báo Người Việt đưa tin.

Xin nói thêm, báo Tuổi trẻ hồi năm 2015 trong bài viết có tựa đề “Nhiệt điện than: Kẻ ‘giết người hàng loạt’”, dẫn lại kết quả từ nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard về “các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở khu vực Đông Nam Á và tại Việt Nam, đã chỉ ra rằng “số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm”.

Báo cũng dẫn lại nghiên cứu từ GreenID (Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh) cho biết, nhiều loại khí do nhiệt điện than thải ra, sẽ tạo thành những lớp sương mù độc hại. Việc hít phải loại sương này sẽ dần gây ra các triệu chứng tức ngực, ho và khó thở.

Đây cũng chính là căn nguyên của bệnh hen suyễn, lâu ngày sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính. Ngoài ra, có những sản phẩm do đốt than như muội than chứa các hạt bụi nhỏ li ti với thành phần là các kim loại, chất hóa học.

Với kích thước siêu nhỏ, những hạt bụi này có thể thâm nhập sâu vào phổi của con người, thậm chí đi vào các mạch máu, gây đau tim, rối loạn nhịp tim, tổn thương phổi…

“Khói thải từ nhiệt điện than có thể bay hàng trăm km, tạo bụi siêu nhỏ, liên quan đến hàng ngàn cái chết ở Việt Nam, chưa kể những ảnh hưởng đến chất lượng đất, mùa màng nhiều nơi…”, tờ báo viết.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong bao gồm 5 nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Những năm qua, nhiều vụ việc ồn ào liên quan đến các nhà máy này như: nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 chỉ bị phạt 50 triệu đồng vì tự ý xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ dành cho chuyên gia (đa số là người Trung Quốc) trên khu đất sát biển với diện tích khoảng 3ha nằm gần nhà máy; xả nước ra biển khi chưa được cấp phép; tình trạng lượng tro xỉ than thải ra do chưa được xử lý chặt chẽ, nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng ô nhiễm do bụi, tiếng ồn,…

Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 21 nhà máy nhiệt điện than hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW. Lượng than phải tiêu thụ mỗi năm khoảng 40 triệu tấn, trung bình các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh lượng tro xỉ thải khoảng 15,8 triệu tấn/năm.

Ngọc Long