Giới chức Hà Nội vừa có quyết định thay thế 262 cây phong lá đỏ đã chết và phát triển, sinh trưởng kém bằng cây bàng lá nhỏ.

phong la do nguyen chi thanh
Hàng cây phong lá đỏ được trồng tại dải phân cách trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Liên quan đến vụ giới chức Hà Nội muốn thay thế 262 cây phong lá đỏ bằng “cây bàng lá nhỏ”, hôm 8/4 báo chí nhà nước dẫn lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói việc trồng cây phong lá đỏ thất bại là “một bài học cay đắng”.

Ông Nhưỡng cho biết cách đây vài năm, bản thân ông và một số người dân Hà Nội đã không hài lòng về việc đưa các loại cây “ngoại lai” không có bản sắc Việt, không có giá trị kinh tế, cũng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vào trồng ở đường phố Hà Nội.

“Sao không trồng những cái cây mang bản sắc Việt Nam, có giá trị kinh tế, bóng mát?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề và dẫn chứng ở một số con đường thuộc huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) hay huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã trồng gỗ lát – một loại gỗ quý, có bóng mát rất đẹp và lại có giá trị kinh tế sau vài chục năm.

Ông Nhưỡng cho rằng khi trồng loại cây nào cho đường phố, công cộng cần phải lấy ý kiến của người dân, liên hệ với người dân, phải xin ý kiến các nhà khoa học để đảm bảo làm sao cho phù hợp.

“Như bây giờ chúng ta lại trồng cây bàng lá nhỏ, cái cây này không phải của Việt Nam mà của Đài Loan. Cây này khi rụng lá rất bẩn, chúng ta cần nghiên cứu cho kỹ. Việc trồng cây xanh phải xác định là một chương trình, dự án, phải nghiên cứu có khoa học, trồng cây gì, ở chỗ nào để thích hợp với loại cây đó. Trồng cây vừa là giải quyết vấn đề môi trường, về cảnh quan, về bài toán kinh tế và thậm chí còn liên quan đến vấn đề thiên tai, bão tố”, ông Nhưỡng nói.

bang la nho trong kim ma
Cây bàng lá nhỏ đang được trồng tại dải phân cách đường Kim Mã. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trong vụ việc cây phong lá đỏ này, cần xem xét trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan. Không thể vì một vấn đề nào đó, mà thậm chí vì “lợi ích nhóm” mà nhập những cây, con không có lợi cho quốc gia, dân tộc, không có lợi cho điều kiện hoạt động của Việt Nam sẽ gây ra lãng phí hay có tác hại lây lan sang những loại khác.

“Đây là bài học không những của Hà Nội mà chung cho cả nước”, ông Hòa nói.

Trước đó, năm 2018, giới chức Hà Nội đã đồng ý trồng 262 cây phong lá đỏ với kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng thành phố Hà Nội. Trong đó, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến đường Trần Duy Hưng trồng 143 cây.

Việc trồng cây ngoại lai này đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về khả năng phát triển của cây, nhưng giới chức Hà Nội vẫn quyết trồng bằng được.

Đến nay, thống kê, có 45 cây đã chết. 217 cây còn sống được thì bị rụng lá; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh… làm ảnh hưởng đến cảnh quan tuyến phố.

Mới đây, giới chức Hà Nội đã có quyết định thay thế toàn bộ cây phong lá đỏ bằng cây bàng lá nhỏ.

Liên quan đến vụ việc, báo Zing News hôm 8/4 dẫn lời Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, thành phố dự kiến trả lại toàn bộ số cây này cho Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường, đơn vị tài trợ.

“Trước mắt, thành phố sẽ bàn giao lại toàn bộ số cây này cho đơn vị tài trợ. Họ cũng có thiện chí tặng lại thành phố để trồng nơi khác. Tuy nhiên, việc chăm sóc loại cây này không hiệu quả và điều kiện khí hậu ở Hà Nội không phù hợp nên cây khó sinh trưởng tốt”, ông Công nói.

Về kinh phí di chuyển cây phong, Sở Xây dựng dự kiến thực hiện bằng nguồn kinh phí của cơ quan này và Công ty Tân Đại Đường. Kinh phí trồng cây mới sẽ được chi từ Nguồn sự nghiệp kinh tế của thành phố.

Hoàng Minh

Hà Nội trồng mới cây bàng lá nhỏ thay thế cây phong lá đỏ