Nhiều nơi ở ĐBSCL sụt lún đáng báo động, các chuyên gia môi trường dự báo phần lớn diện tích của vùng đất này sẽ nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ XXI.

sut lun o dbscl
Nhiều nơi ở ĐBSCL sụt lún đáng báo động, các chuyên gia môi trường dự báo phần lớn diện tích của vùng đất này sẽ nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ XXI. (Ảnh minh họa: baocantho.com.vn)

Dự án “Quản trị tình trạng sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại ĐBSCL” vừa công bố cho thấy tình trạng sụt lún đất tại ĐBSCL đang diễn ra là đáng báo động.

Dự án do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tài trợ thực hiện tại 4 địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre.

Số liệu khảo sát cho thấy ĐBSCL đang sụt lún 1cm/năm, với tốc độ sụt lún trung bình từ năm 2005-2017 lên tới 5,7 cm/năm. Trong khi đó, mực nước biển dâng tuyệt đối chỉ ở mức 35mm/năm. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ XXI.

Số liệu sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao của Bộ TN-MT ghi nhận từ năm 2005 – 2017, độ lún tích lũy trung bình của 4 tỉnh, thành Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong giai đoạn này là gần 10,1 cm; trong đó, Cần Thơ cao nhất với 15,49 cm, thấp nhất là Bến Tre với 4,97 cm.

Cần Thơ là nơi có tốc độ lún cao nhất với trung bình 1,31 cm/năm, tiếp đến là Sóc Trăng (1,09 cm), Kiên Giang (0,64 cm) và Bến Tre (0,55 cm).

TS Hà Quang Khải, Viện Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Bách khoa TP. HCM) cho biết một trong những nguyên nhân khiến TP. Cần Thơ có tốc độ sụt lún cao nhất là do khai thác nước ngầm quá mức. Việc gia tăng cơ sở hạ tầng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các đô thị.

Mực nước ngầm trong các tầng chứa nước ở Cần Thơ đã xuống mức thấp nhất vào năm 2020 kể từ khi bắt đầu quan trắc năm 1991.

“Dự báo, phần lớn TP. Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mực nước biển vào năm 2100 nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục không suy giảm”, TS Khải nói.

Việc mất độ cao sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường vốn đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống đô thị. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hiện nay ngập theo mùa đã làm ngập một nửa TP mỗi năm, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp được tính là gần 650 USD/gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của gia đình.

Khai thác nước ngầm tràn lan

Đánh giá của Bộ TN-MT từ năm 2010 cho thấy tại Cần Thơ, tổng lưu lượng khai thác nước ngầm là hơn 188.000 m3/ngày đêm. Phần lớn nước ngầm được khai thác cho mục đích sinh hoạt (chiếm 53%), sau đó đến nước cho nông nghiệp và công nghiệp. Do tốc độ khai thác nước ngầm ở Cần Thơ lớn hơn tốc độ bổ sung nước ngầm, áp lực nước ngầm trong các tầng chứa nước hạn chế đã liên tục giảm trong những thập kỷ qua.

Cũng theo TS Khải, hiện mỗi ngày cả vùng ĐBSCL khai thác khoảng hơn 2 triệu m3 nước ngầm, chưa kể trữ lượng khai thác từ các giếng khoan hộ gia đình.

Trong khi đó, việc quản lý khai thác nước ngầm ở ĐBSCL rất lỏng lẻo và kém hiệu quả; việc khai thác nước ngầm quá dễ dàng, chi phí sử dụng lại rẻ, trong khi đó các quy định xử phạt chưa nghiêm và rõ ràng. Chưa kể, hiện nay không có bất cứ mối liên kết nào giữa các địa phương ĐBSCL trong quản lý khai thác nước ngầm, từ đó dẫn đến khai thác nước ngầm ngày càng tràn lan.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay ĐBSCL đang gặp 3 thách thức là xây dựng các đập thủy điện từ thượng nguồn, nước biển dâng và vấn đề nội tại của vùng.

Trong vấn đề nội tại, việc khai thác nước ngầm để dùng cho sản xuất, sinh hoạt đang làm nhiều vùng sụt lún và hiện tượng này nó diễn ra nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Điều này giải thích vì sao TP. Cần Thơ càng ngày càng ngập nghiêm trọng.

Khôi phục nguồn nước ngầm

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ cho rằng sau khi có lộ trình ngưng được việc sử dụng nước ngầm, cần tính đến giải pháp phục hồi nước ngầm bằng cách bơm nước sạch, bổ sung cho mạch nước ngầm.

“Đây là kỹ thuật khó, công phu nhưng không phải không làm được. Nhưng để cho đất không bị lún tiếp thì phải làm như vậy. Dù ngưng khai thác nước ngầm, cũng mất khoảng 20 năm sau mới phục hồi được nhưng việc bơm nước xuống tầng nước ngầm thì chỉ cần 5-10 năm đất sẽ tự trồi lên” – ông Vinh nói.

Trước đó, hồi năm 2019, GS-TS Nguyễn Văn Đạt, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng ĐBSCL có thể tận dụng nguồn nước biển dồi dào để làm đầy các tầng ngầm, hồi sinh các con sông cổ đã bị khai thác quá nhiều.

“Lưu lượng khai thác nước ngầm ngày càng tăng cao là do ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, khiến người dân không đủ lượng nước ngọt cần thiết để phục vụ sinh hoạt, canh tác. Nếu có thể áp dụng các biện pháp ngọt hóa nước biển đủ cung cấp cho người dân thì sẽ chẳng còn ai khai thác nước ngầm nữa.

Nguồn nước biển sau khi được ngọt hóa sẽ được dẫn vào hệ thống sông ngòi khắp ĐBSCL, vừa cung cấp cho người dân sinh hoạt, phục vụ canh tác, vừa có thể cung ứng thêm sản phẩm cho ngành du lịch khi có thêm các du thuyền được trang bị tiện nghi phục vụ du lịch sinh thái” – ông Đạt nói.

Hoàng Minh

Xem thêm:

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/thoi-su/13-trieu-nguoi-o-dong-bang-song-cuu-long-da-di-cu.html