Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được trình tại Quốc hội chiều 31/10. Theo đánh giá, đây là một dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia.

Vũ khí quân dụng. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)
Vũ khí quân dụng. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quy định thành luật, để khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp lệnh áp dụng trong 4 năm qua.

Đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho Công an xã, thanh niên xung phong

Theo quy định của dự luật, vũ khí quân dụng gồm:

  • Súng cầm tay hạng nhỏ là loại súng được thiết kế cho cá nhân sử dụng, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
  • Vũ khí hạng nhẹ gồm: Súng đại liên, súng cối dưới 100 ly, súng ĐKZ, súng máy phòng không đến 23 ly, súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự;
  • Các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, đạn pháo, ngư lôi, thuỷ lôi, hoả cụ.
  • Vũ khí không thuộc danh mục do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.

Theo Điều 17 dự luật, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm:

  • Quân đội nhân dân;
  • Dân quân tự vệ;
  • Công an nhân dân;
  • Kiểm lâm, Kiểm ngư;
  • Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu;
  • An ninh hàng không.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho Công an xã (thuộc Công an nhân dân) vì đây không phải là lực lượng Công an nhân dân chính quy.

Ngoài ra, về việc có trang bị vũ khí cho lực lượng thanh niên xung phong hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (tổ thảo luận TP.HCM) cho rằng không nên.

Đã nói vũ khí là những lực lượng an ninh quốc phòng, những lực lượng này thiếu người hay sao phải đưa vũ khí cho thanh niên xung phong? Nếu trang bị vũ khí cho lực lượng thanh niên xung phong có thể gây xung đột xã hội“, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Theo nhận định, dự thảo Luật mới chỉ quy định các lực lượng được trang bị, chưa quy định đối tượng cụ thể được trang bị. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung trong Luật này quy định về nguyên tắc trang bị, tiêu chí đối tượng được trang bị, chủng loại được trang bị, tiêu chuẩn của người sử dụng, nhất là đối với việc trang bị vũ khí quân dụng, thay vì chỉ chỉ định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về việc trang bị vũ khí quân dụng đối với các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể đối với các đối tượng trong Công an nhân dân. 

>> TP.HCM: Nổ súng trong trụ sở UBND phường, 1 người tử vong

Định rõ những trường hợp trước khi nổ súng phải cảnh báo 

Đây là điểm thay đổi so với Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13.

Trong pháp lệnh hiện hành không có quy định về các trường hợp trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên.

Theo dự luật vừa được đưa ra trình, quy định trước khi nổ súng phải cảnh báo được áp dụng đối với có 5 trường hợp sau:

  • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
  • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;
  • Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, dẫn giải, áp giải do phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm đang chạy trốn hoặc chống lại;
  • Khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm, chạy trốn; cướp tang vật, phương tiện vi phạm;
  • Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa (trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế), để dừng phương tiện đó trong các tình huống tình nghi hoặc gây nguy hiểm. 

5 trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo bao gồm:

  • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;
  • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
  • Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
  • Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
  • Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 Điều. Dự kiến, luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào năm 2018, thay thế Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành năm 2011, được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Lê Trai

Xem thêm: