Gần 5 tháng qua, TP.HCM đã sử dụng hơn 9,6 triệu kit test nhanh kháng nguyên và tiếp tục đề xuất phân bổ thêm 10 triệu bộ kit test nhanh để “đảm bảo tiến độ xét nghiệm thần tốc toàn dân đến ngày 30/9”.

covid 19 tphcm 100
Để xét nghiệm diện rộng, TP.HCM đề xuất cần 10 triệu bộ kit test nhanh; 4.000 cán bộ, chiến sĩ. (Ảnh: HCDC)

Giới chức TP.HCM trước đó dự kiến đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được.

Sau đó, Chủ tịch TP.HCM – ông Phan Văn Mãi tiếp tục ký quyết định giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/9 đến ngày 30/9.

Một ngày sau khi bước vào đợt giãn cách mới, ngày 17/9, Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP.HCM ra công văn khẩn số 3074 yêu cầu tiếp tục xét nghiệm diện rộng tại các khu dân cư đến ngày 30/9, với tinh thần “phải thần tốc lấy mẫu xét nghiệm”; “khuyến khích người dân tự lấy mẫu”…

Việc xét nghiệm diện rộng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ một số chuyên gia và dân chúng. Nhiều chuyên gia cho rằng “không nên xét nghiệm diện rộng, vì rất tốn kém”.

Mặc dù vậy, ngày 20/9, trong văn bản gửi Thủ tướng, ông Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Y tế phân bổ 10 triệu bộ kit test nhanh và 1.000 người hỗ trợ xét nghiệm; Bộ Quốc phòng phân bổ 4.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội hỗ trợ xét nghiệm để “đảm bảo tiến độ xét nghiệm diện rộng”.

Cũng trong ngày 20/9, giới chức TP có văn bản khẩn số 3113 thay đổi kế hoạch xét nghiệm diện rộng đến ngày 30/9, trong đó chỉ xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để bóc tách nguồn lây nhiễm, thay vì có thêm phương pháp xét nghiệm RT-PCR như trước đây.

Cụ thể, với vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao) được xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 trong 14 ngày gần nhất và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.

Tại vùng xanh và vàng (nguy cơ thấp) sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc-xin, có tiếp xúc nhiều, không chọn người đại diện đã từng là F0.

Cách thực hiện là triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình và giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên chỉ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khi người dân không thể tự lấy mẫu.

Tính từ ngày 27/4 – 16/9, TP.HCM đã lấy khoảng 9,6 triệu mẫu test nhanh và gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR.

Tính đến ngày 17/9, thành phố đã tổ chức 1.533 đội lấy mẫu gồm 383 đội cơ hữu tại địa phương; 407 đội thuộc lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện; 743 đội thuộc lực lượng tình nguyện từ các đơn vị và các tỉnh, thành.

Đến ngày 20/9, thành phố đã tiêm tổng cộng 8.876.463 mũi vắc-xin, trong đó có 6.775.637 mũi 1 và 2.100.826 mũi 2.

Theo kế hoạch dự kiến tới ngày 30/9, TP.HCM cần 2.195.642 liều vắc-xin để tiêm cho người dân. Theo Sở Y tế, tính đến ngày 20/9, số lượng vắc-xin tồn chỉ còn 292.745 liều. Như vậy trong 10 ngày tới, TP còn thiếu gần 2 triệu liều vắc-xin.

Sở Y tế TP cũng đã đề xuất giảm thời gian tiêm mũi 2 vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống còn 6 tuần sau khi tiêm mũi 1, với mục đích tăng tốc tiêm mũi 2.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất cấp thẻ xanh cho người tiêm 1 mũi vắc-xin (thay vì 2 mũi như dự kiến trước đây).

Hôm nay (21/9), Bộ Y tế công bố TP.HCM có 6.521 ca nhiễm mới (tăng 1.350 ca so với hôm 20/9) và 184 ca tử vong.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 348.220 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Từ 1/10, tại TP.HCM, người đi làm thủ tục hành chính phải có ‘thẻ xanh COVID-19’