Bộ Y tế cho rằng chính quyền tỉnh Điện Biên cần phải tiếp tục rà soát người để tiêm theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4 cho người lớn, tiêm đủ 2 mũi hay 3 mũi tùy nhóm trẻ trong thời gian hạn định.

tiem vac xin covid dien bien
Một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tháng 11/2021. (Ảnh: kiemsoatbenhtatdienbien.vn)

Ngày 19/6, tại công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Y tế cho biết ngày 16/6 vừa qua đã nhận được công văn của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cho hay tính đến ngày 14/6, toàn tỉnh Điện Biên còn tồn khoảng 51.000 liều vắc-xin COVID-19; tiến độ tiêm rất chậm, nguy cơ cao phải hủy số vắc-xin này do quá hạn sử dụng.

Bộ này dẫn báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay đến hết ngày 16/6, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Điện Biên là 65,1%, vẫn còn khoảng 30% số người chưa tiêm mũi 3.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch tỉnh Điện Biên chỉ đạo Sở Y tế và các cơ quan liên quan đẩy tiến độ tiêm vắc-xin COVID-19 trong dân chúng, tìm người tiêm theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tại từng huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từng xã, phường, thị trấn; tăng cường thông tin, truyền thông nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Giới chức tỉnh này được yêu cầu chỉ đạo đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 2/2022, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; tổ chức tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Nếu không nhận vắc-xin hoặc để vắc-xin tồn không sử dụng trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Y tế nêu.

Cần lưu ý, ngày 4/6, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, trước câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay chưa có đủ cơ sở bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19, đặc biệt với trẻ 5-12 tuổi, vì COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc của Việt Nam.

Tình trạng vắc-xin COVID-19 bị tồn, nguy cơ phải hủy do quá hạn không mới. Ngày 1/6 vừa qua, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa đã từ chối nhận và xin điều chuyển vắc-xin Pfizer cho nơi khác. Riêng với Hà Nội, khoảng gần 2 tuần trước đó, TP không tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi; số liều vắc xin đã tiêm cho trẻ theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tính tới hết ngày 1/6 vẫn là 170.770 liều.

22 tỉnh thành mới nhận một phần số vắc-xin COVID-19 được phân bổ; 10 tỉnh thành chưa tiếp nhận số vắc-xin được phân bổ, gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang với tổng số hơn 1,2 triệu liều chưa nhận.

Trong khi các tỉnh tiếp nhận cầm chừng, chưa tiếp nhận thậm chí từ chối số vắc-xin COVID-19 được phân bổ do người dân từ chối tiêm, Bộ Y tế tiếp tục áp thời hạn hoàn thành việc tiêm vắc-xin các mũi 2, 3 đối với trẻ em, mũi 3, 4 với người lớn với cảnh báo: “Nếu để xảy ra dịch bùng phát thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm”.

Nguyễn Sơn