Liên quan đến dự án làm cầu Mã Đà và quốc lộ 13C xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, giới chức tỉnh này vừa đề nghị Tổ chức Giáo dục – khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho ý kiến và đưa ra những cảnh báo.

khu sinh quyen dong nai
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là Khu dự trữ sinh quyển thứ 8 tại Việt Nam, vào ngày 29/6/2011. (Ảnh: dnrtv.org.vn)

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho ý kiến về việc xây cầu Mã Đà để kết nối, nâng cấp tuyến đường Bà Hào – sân bay Rang Rang (Đồng Nai) và Đồng Xoài – Đồng Phú (Bình Phước) thành quốc lộ 13 C, đi xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Trong văn bản, giới chức Đồng Nai lo ngại trước sự tác động của tuyến đường đến việc bảo tồn rừng tại đây.

Tỉnh dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp quy định về việc can thiệp đến di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt là làm cầu, làm đường trong rừng.

Tỉnh Đồng Nai cũng dẫn việc Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã kiến nghị Đồng Nai không xây cầu Mã Đà nối với tỉnh Bình Phước.

Lý do, xây dựng cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài 40km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng, sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

“Điều này gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật hoang dã do các phương tiện lưu thông… Đây là các hoạt động đi ngược lại chiến lược của MAB. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ thu hồi danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới”, văn bản nêu.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xem là lá phổi xanh của các tỉnh Đông Nam Bộ. Hơn nữa, ở đây còn có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhiều năm qua, Đồng Nai đã bảo vệ diện tích rừng, trồng bổ sung mới và các loài động vật quý hiếm xuất hiện thường xuyên hơn…

Do đó, việc xây cầu Mã Đà xuyên qua rừng của khu dự trữ sinh quyển sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử…

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là Khu dự trữ sinh quyển thứ 8 tại Việt Nam, vào ngày 29/6/2011.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai trải rộng tại các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông, với tổng diện tích là 969.993 ha. Trong đó:

  • Vùng lõi là 172.502 ha (gồm Vườn Quốc gia Cát Tiên 72.208 ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai 100.294 ha);
  • Vùng đệm là 349.995 ha;
  • Vùng chuyển tiếp là 447.496 ha.

Trước đó, giới chức tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tuyến ĐT.761 ở tỉnh Đồng Nai và làm quốc lộ 13C theo quy hoạch đã được duyệt.

Bình Phước cho rằng khi xây cầu Mã Đà để kết nối vào quốc lộ 13C sẽ rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Bình Phước đi sân bay quốc tế Long Thành hơn 60km.

Trước đề xuất của tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Hoàng Hảo, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, cho hay việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm… Theo ông Hảo, việc xây dựng cầu Mã Đà trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với đề án Bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được phê duyệt.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Đất ngập nước Việt Nam (VNWA), GS. Hoàng Văn Thắng, nhận định nếu mở quốc lộ 13C sẽ vi phạm cùng lúc nhiều luật như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định liên quan. Việc xây dựng dự án cầu Mã Đà và đường kết nối xuyên Khu bảo tồn cũng đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế về khu dự trữ sinh quyển thế giới, sẽ bị Tổ chức UNESCO rút danh hiệu.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch MABVN cho rằng “việc xây đường, cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, vi phạm Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, kế hoạch Hành động Lima 2016-2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”.

Do đó, MABVN đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dừng dự án xây đường, cầu Mã Đà, ưu tiên xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới thành mô hình phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế.

Minh Long