“Cài cắm” người đi cùng Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp, một đường dây đã đưa nhiều người trốn ra nước ngoài trót lọt.

loi dung doan cong tac cua bo nong nghiep duong day dua nguoi tron ra nuoc ngoai
Bị cáo Lê Lâm Tới tại phiên tòa ngày 28/2. (Ảnh: baophapluat.vn)

Sau hai ngày xét xử, sáng ngày 28/2, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Bốn bị cáo gồm:

  • Lê Lâm Tới (SN 1978, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội);
  • Vũ Nam Phương (SN 1972, Giám đốc Công ty CP Thương mại Hoàng Phúc);
  • Đào Trọng Quang (SN 1972, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Minh Quang Phát);
  • Hoàng Trung Yên (SN 1975, Giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng 168).

Theo cáo trạng, tháng 4/2019, Đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận một công dân Việt Nam bị phía Pháp trục xuất vì nhập cảnh trái phép.

Từ manh mối này, cơ quan điều tra phát hiện đường dây tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép do bị cáo Tới chủ mưu.

Cơ quan điều tra xác định vào tháng 9/2019, Bộ NN&PTNT có kế hoạch tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại thủ đô Warszawa (Ba Lan). Theo kế hoạch, thành phần của đoàn công tác bao gồm cả các doanh nghiệp tham gia hội chợ.

Bị cáo Tới biết thông tin này liền nảy sinh ý định đưa người đi cùng đoàn để họ trốn ra nước ngoài. Bị cáo chọn những người có nhu cầu rồi móc nối một số doanh nghiệp nhờ xác nhận làm việc tại đó để họ đủ điều kiện đi cùng Bộ NN&PTNT sang châu Âu.

Cáo trạng xác định trong các doanh nghiệp ký xác nhận cho người của bị cáo Tới, ngoài 3 Công ty Hoàng Phúc, Minh Quang Phát, 186 nêu trên còn có Công ty Eden, Công ty Hoàng Long.

Có được xác nhận này, bị cáo Tới đến Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đăng ký danh sách cho 5 doanh nghiệp trên cử người đi cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT.

Kết thúc chuyến công tác, 7 người do bị cáo Tới cài cắm đã trốn ở lại châu Âu. Lời khai thân nhân của họ xác nhận tất cả không có mặt tại địa phương, mà đang lao động, làm ăn ở nước ngoài…

Kết quả điều tra xác định bị cáo Tới đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót tại Bộ NN&PTNT trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục cho các doanh nghiệp sang Ba Lan tham dự hội nghị để làm “khống” hồ sơ cho người trốn ra nước ngoài.

Cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành quy trình, trình tự, thủ tục trong việc tổ chức các sự kiện ở nước ngoài để tránh tình trạng khách trốn đi nước ngoài, đồng thời, thanh tra làm rõ trách nhiệm một số cá nhân (nếu có) tại Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tới 6 năm tù, bị cáo Phương bị phạt 5 năm tù, bị cáo Quang bị phạt 2 năm tù và bị cáo Yên bị phạt 2 năm tù cùng về tội “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài”.

Ngoài số người đã trốn đi nước ngoài dưới danh nghĩa đoàn công tác của Bộ NN&PTNT trong vụ án này, cáo trạng xác định đường dây của bị cáo Tới đã tổ chức cho nhiều người khác trốn đi nước ngoài trót lọt.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Tới thừa nhận đã thu từ 15.000 USD-17.000 USD/ trường hợp. Trừ các chi phí mua vé, tiền ăn ở, thuê gian hàng hội chợ…, bị cáo Tới hưởng lợi 68.000 USD (khoảng gần 1,6 tỷ đồng). Bị cáo Phương khai nhận thu lời từ việc đặt vé máy bay khoảng 20 triệu đồng.

Ngoài bản án tù nêu trên, TAND TP. Hà Nội tuyên buộc bị cáo Tới và các đồng phạm nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Trong vụ án còn 2 giám đốc doanh nghiệp có liên quan, nhưng thời điểm điều tra, họ đã xuất cảnh khỏi Việt Nam nên cơ quan tố tụng tách ra để điều tra xác minh, xử lý sau.

Ngoài ra, liên quan đến vụ án này còn có bà Nguyễn Thị Lan là người giới thiệu 7 người có nhu cầu đi nước ngoài cho ông Tới, đồng thời là đầu mối trực tiếp giúp ông Tới thu tiền và hồ sơ của những người này.

Tuy nhiên, bà Lan hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan điều tra tách vụ án để xử lý sau.

Bảo Khánh