Một người đàn ông ở Đà Nẵng cùng nhân viên dùng thông tin người đã chết, người nghiện ma túy… lập 9 công ty “ma” để buôn lậu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Trước khi bị tạm giữ 22 lô hàng, nhóm này đã dùng pháp nhân của 6/9 doanh nghiệp này để nhập khẩu “trót lọt” 210 lô hàng.

dung thong tin nguoi chet lap cong ty ma nhom nguoi buon lau trot lot 210 lo hang.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 29/12. (Ảnh: congan.danang.gov.vn).

Chiều ngày 29/12, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Ngô Duy Chính (SN 1970, trú tại phường Thảo Điền, quận Thủ Đức, TP.HCM) về tội Buôn lậu và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 188 và Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng thời, tòa án xét xử 3 bị cáo gồm: Lương Thị Hạnh (SN 1989, trú tại phường Thanh Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), Trần Minh Huy (SN 1989, trú tại phường Phú Hữu, quận Thủ Đức, TP.HCM) và Phan Thị Ngọc Nhàn (SN 1992, trú tại phường Bình Trung Đông, quận 2, TP.HCM) cùng về tội Buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015.

Đưa người chết… làm đại diện pháp luật công ty để buôn lậu

Theo cáo trạng, tháng 10/2019, ông Chính được một số người thuê thực hiện các thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ hàng là người tên Lâm (chưa xác định danh tính), còn hàng hóa nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu thì chủ hàng là một người tên Dũng, một người tên Kiên (cũng không xác định được danh tính).

Ông Chính liên lạc với các ông Lâm, Kiên, Dũng qua mạng xã hội Viber, Wechat.

Trong khoảng hơn 1 năm, từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, ông Chính gửi bản chụp chứng minh nhân dân của nhiều người để bà Hạnh sử dụng thành lập và đăng ký chữ ký số của 9 công ty tại Đà Nẵng.

Chín công ty này gồm: Công ty TNHH Thiên Phú Thành Phát, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sunset, Công ty TNHH Thương mại One Express, Công ty TNHH Dịch vụ Hoàng Thổ, Công ty TNHH Thương mại Red Tide, Công ty TNHH Thương mại Blue Bayou, Công ty TNHH Thương mại New Hill, Công ty TNHH Thương mại Fly Tiger và Công ty TNHH Dịch vụ Blue Island.

Trong số này, Công ty TNHH Thương mại One Express đặt trụ sở tại nhà riêng của bà Hạnh, các công ty còn lại đều không có trụ sở, không có nhân viên, không hoạt động kinh doanh. Trong 9 công ty được thành lập, ông Chính đã cung cấp thông tin của 6 công ty cho các ông Lâm, Kiên, Dũng sử dụng để điền vào vận đơn với tư cách là đơn vị nhập khẩu.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định những người đại diện theo pháp luật của các công ty này có người nay đã chết, có người là phụ hồ, thậm chí, còn có người là người nghiện ma túy, đã bỏ nhà đi lang thang.

Thủ đoạn lập “khống” chứng từ nhập khẩu hàng hóa

Sau khi nhận được vận đơn các chủ hàng gửi qua Viber, ông Chính chuyển và chỉ đạo ông Huy tự lập “khống” chứng từ nhập khẩu gồm hóa đơn, danh sách hàng hóa với thông tin hàng nhập khẩu là nước giặt, nước xả vải. Ông Huy tra cứu trên mạng để chọn loại nước giặt, nước xả, thông tin trọng lượng… căn cứ vào tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn để tính toán số lượng hàng cho phù hợp.

Về đơn giá, ông Huy tham khảo thị trường rồi lấy 1/3 giá này để ghi lên hóa đơn. Sau khi hoàn tất, ông Huy gửi lại cho ông Chính xem, xác nhận rồi gửi cho bà Hạnh. Bà Hạnh đóng dấu tên, dấu chữ ký giám đốc, pháp nhân của công ty nhập khẩu lên hóa đơn, danh sách hàng hóa rồi gửi lại cho ông Huy.

Ông Huy dùng chữ ký số của công ty nhập khẩu, vào máy tính đăng nhập hệ thống hải quan điện tử, đăng chứng từ lên để làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu. Bà Hạnh cho người mang bộ chứng từ bản giấy đến nộp tại hải quan để làm thủ tục thông quan, nhận hàng.

Khi có thông tin hàng về, bà Nhàn chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng cho bà Hạnh để chi trả các chi phí liên quan đến lô hàng.

Hàng hóa trong các container nhập khẩu gồm nhiều mặt hàng khác nhau như sữa bột, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô… nhưng nhóm này đã dùng thủ đoạn lập “khống” chứng từ để thay đổi thông tin hàng hóa thành nước giặt, nước xả vải cho phù hợp với tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định trong gần 1 năm, từ ngày 27/12/2019 đến ngày 26/11/2020, ông Chính sử dụng pháp nhân của 6 doanh nghiệp để nhập khẩu 232 lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó, có 210 lô hàng đã được thông quan và tiêu thụ, 22 lô hàng bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm nên tạm giữ để điều tra. Tổng giá trị của hàng hóa chứa trong 22 lô hàng là hơn 71,3 tỷ đồng.

Trong 22 lô hàng bị phát hiện và tạm giữ, các bị cáo đã làm thủ tục mở tờ khai hải quan nhập khẩu 4 container hàng hóa có trị giá hơn 24,8 tỷ đồng, chênh lệch tiền thuế đã nộp và phải nộp vào Ngân sách nhà nước là hơn 9,9 tỷ đồng.

Trong vụ án này, các bị cáo Chính, Hạnh, Huy và Nhàn phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức, phạm tội nhiều lần là các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự.

HĐXX tuyên phạt ông Chính 16 năm tù về tội Buôn lậu và 2 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổng hợp hình phạt là 18 năm tù. Các bị cáo Hạnh, Huy và Nhàn cùng bị phạt mức án 7 năm tù về tội Buôn lậu.

Khánh Vy