Sau sự cố đứt 4 bó cáp ngầm ở nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được phát hiện vào giữa tháng 9, tổng độ võng của cây cầu này được ghi nhận từ 17,4 đến 22,2 cm khi đo vào cuối tháng, lớn hơn nhiều mức cho phép. 

ong ngo hai duong so gtvt tphcm 1
Ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM nói về sự cố đứt cáp ngầm tại cầu Nguyễn Hữu Cảnh, tại buổi họp báo chiều 29/9. (Ảnh: Huyền Mai/ttbc-hcm.gov.vn)

Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (sau đây gọi tắt là Ban quản lý dự án) gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.

Sự cố đứt cáp ngầm của cầu Nguyễn Hữu Cảnh được phát hiện sau khi Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) khảo sát công trình vào giữa tháng 9.

Sau khi phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt, Ban quản lý dự án, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP cùng Tư vấn Tedi đã khảo sát, đo đạc hiện trạng công trình như trắc dọc, độ võng nhịp dầm chính, khe hở giữa các đầu dầm nhịp chính.

Kết quả khảo sát cho thấy độ võng lớn nhất tại nhịp dầm chính theo hướng từ cầu Sài Gòn đi quận 1; độ võng tại vị trí biên phải là 22,2cm, vị trí tim cầu là 17,4cm, vị trí tim trái là 18,6cm, lớn hơn nhiều độ võng cho phép theo tính toán là 7,2cm.

Với độ võng này, chuyển vị ngang tương ứng là 7,2 cm, trong khi mức cho phép chỉ được 3,8 cm (vượt gấp 1,89 lần mức cho phép).

Ban quản lý dự án đề xuất phương án dùng các cáp dự ứng lực tạm để căng giữ 2 bên trụ của nhịp chính cầu vượt; đồng thời, dùng hệ giàn giáo định hình chống đỡ nhịp dầm chính, đặt trên mặt đường hiện hữu (có rải các tấm tôn để phân bố lực lên mặt đường).

Dự kiến thời gian sửa chữa là trong 45 ngày, chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (10 ngày), người và xe bị cấm đi qua cầu và dưới dạ cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong thời gian thực hiện, Ban quản lý dự án cùng Tư vấn Tedi, đơn vị khảo sát, sẽ theo dõi chuyển vị hệ dầm, khung chống sau khi đã chống đỡ nhịp cầu chính; đồng thời khảo sát, hoàn chỉnh phương án để thẩm định, phê duyệt, thi công khôi phục kết cấu công trình.

Tuy nhiên, phương án này không được các chuyên gia và Sở GTVT TP ủng hộ. Theo Sở GTVT TP, các giải pháp đề xuất xử lý sự cố hiện tại ảnh hưởng và tác động lớn đến tình hình giao thông khu vực, chưa đính kèm chi tiết phương án sửa chữa, chưa có bảng tính toán liên quan đến kết cấu công trình (hiện trạng và sau khi sửa chữa), trình tự thực hiện và các bản vẽ chi tiết liên quan đến các hạng mục thực hiện…

Ngoài ra, qua tham khảo ý kiến một số chuyên gia, việc thực hiện giải pháp trong giai đoạn 1 là không hiệu quả do sự cố có thể đã xảy ra trong thời gian trước đây (trong giai đoạn trước tháng 3/2021, khi thi công cống thoát nước 2m x 2m băng qua dưới dạ cầu).

Do đó, Sở GTVT TP chưa đủ cơ sở để thông qua phương án khắc phục.

Sở GTVT TP yêu cầu Ban quản lý dự án cùng đơn vị tư vấn có năng lực kinh nghiệm tổ chức thu thập hồ sơ liên quan đến công trình (hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công…), từ đó, tiến hành kiểm định, khảo sát kỹ hiện trạng, tính toán kết cấu chịu lực, kết cấu sửa chữa tăng cường, hoàn chỉnh phương án sửa chữa, trình tự và tổ chức thi công, phương án phân luồng giao thông. Phương án sửa chữa được yêu cầu gửi về Sở GTVT TP để lấy ý kiến các chuyên gia, thống nhất giải pháp xử lý trước khi triển khai thực hiện.

Tại cuộc khảo sát công trình vào giữa tháng 9, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phát hiện cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt.

4 bó cáp đặt ngầm ở độ sâu 1,8-1,9 m thuộc phạm vi nhịp chính 55.5 m bị đứt, khiến mặt cầu (đoạn giữa công trình) bị lõm so với phần còn lại, giảm khả năng chịu tải của công trình. Các bó cáp dự đoán bị đứt khi thi công cống thoát nước 2m x 2m băng qua dưới dạ cầu (đường cống này đã hoàn thành vào tháng 3/2021).

Trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội thường kỳ của TP.HCM diễn ra vào chiều 29/9, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) xác nhận qua khảo sát tại hiện trường, ghi nhận có 4 hệ thống cáp neo dự ứng lực ngầm bị đứt.

Ngày 24/9, xe tải, xe 16 chỗ ngồi bị cấm lưu thông qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh; đến chiều 29/9, tất cả phương tiện bị cấm lưu thông qua cầu.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng hoàn thành năm 2002, khai thác 20 năm, sữa chữa lần gần nhất năm 2017. Cầu có chiều dài 618 m, trong đó phần cầu vượt có chiều dài 55 m, phần cầu dẫn dài 563 m.

Sơn Nguyên