Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị thanh tra về quản lý và cung ứng điện trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023.

thuy dien son la
Nhà máy Thủy điện Sơn La – Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất 2.400MW đang đối mặt với tình trạng khô hạn chưa từng có. Ngày 6/6/2023, mực nước trong hồ thủy điện Sơn La ghi nhận ở mức 174,93m, thấp hơn mực nước chết và thấp hơn 40,07m so với mực nước dâng bình thường. Đây là mực nước thấp nhất kể từ khi nhà máy đưa vào vận hành. (Ảnh: evn.com.vn)

Báo chí nhà nước hôm 10/6 cho biết Bộ Công thương vừa lập đoàn thanh tra EVN.

Động thái trên đưa ra sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số 517 ngày 6/6, yêu cầu Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023.

Đoàn thanh tra Bộ Công thương gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thay Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp chỉ đạo thanh tra.

Đoàn thanh tra sẽ thanh tra trong thời gian 30 ngày, kể cả ngày nghỉ, bắt đầu từ hôm nay (10/6).

Liên quan đến việc này, trước đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi…

Ông Vân cho rằng để ngăn tránh cơ chế độc quyền, khả năng lộng hành giá và thao túng thị trường điện, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm 2 Tổng công ty độc lập, gồm: Tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220 KV trở lên theo đúng Luật Điện lực và 1 Tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc Tổng công ty phân phối điện.

Ông cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc, để lấy tiền đầu tư cho hệ thống đường dây truyền tải, nhằm giảm áp lực về truyền tải.

Ông còn đề nghị Chính phủ “sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện, để chấm dứt tình trạng độc quyền như hiện nay, bởi độc quyền sẽ dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện”.

Từ đầu tháng 6 tới nay, nhiều tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị cắt điện, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất…

Thống kê, tháng 5, lượng điện tiêu thụ bình quân của Việt Nam đạt gần 820 triệu kWh một ngày, tăng hơn 20% so với tháng 4.

Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến ngày 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.

Liên quan đến tình hình kinh doanh, Tập đoàn EVN cho biết riêng năm 2022 đã lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ tỷ giá).

Với việc tăng giá điện từ hôm 4/5, lãnh đạo EVN cho hay doanh thu dự kiến tăng thêm 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng chưa đủ bù lỗ.

Tuy vậy, 5 công ty con của tập đoàn này gửi ngân hàng đến 30.000 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2022, thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi.

Đối với điện tái tạo, việc chậm đàm phán giá đã khiến rất nhiều dự án “nằm im” trong 2 năm, điều này khiến việc bổ sung nguồn điện cho mạng lưới bị trễ, cũng là một trong những nguyên nhân gây mất điện trầm trọng hiện nay.

Ngoài ra, từ năm 2019, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ thiếu điện nhưng dường như các kế hoạch mà EVN ứng phó đến nay đã không thực thi hiệu quả, dẫn đến khi thủy điện thiếu thì không có nguồn điện khác để bù vào.

Minh Long