Ngoài ACV, Tập đoàn FLC cũng muốn đầu tư xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nhưng chưa trình phương án nghiên cứu chi tiết.

san bay tan son nhat
Ga nội địa (Sân bay Tân Sơn Nhất). (Ảnh: Minh Thùy)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời câu hỏi về đề xuất xây dựng Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại buổi họp báo Chính phủ vào ngày 1/3.

Theo ông Đông, dự án xây dựng nhà ga T3 được đưa vào diện công trình ưu tiên đầu tư do tình hình ách tắc cả trên trời, dưới đất của sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc đầu tư thêm nhà ga này xây dựng trên cơ sở quy hoạch chi tiết của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ GTVT.

Sau khi công khai quy hoạch, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị được giao quản lý khai thác sân bay Tân Sơn Nhất đã đề nghị được đầu tư dự án này.

Tuy nhiên từ 29/9/2018, ACV chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đã có việc các cơ quan xem xét chủ trương đầu tư dự án này, huy động vốn xã hội hoá, do đó liên quan đến cơ quan chủ quản quản lý doanh nghiệp đầu tư đó.

Ngoài ACV, tháng 2/2019, Bộ cũng nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC muốn đầu tư nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể. Trong khi đó, ACV đã có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi về đầu tư dự án nhà ga T3.

“Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Nội dung này chúng tôi đang tập hợp tất cả các đề xuất. ACV có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi còn FLC mới đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể” – ông Đông nói.

Trước đó, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100.000 m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650 m2. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỷ đồng.

Ngoài nhà ga hành khách T3, ACV dự kiến đầu tư thêm một số công trình phụ trợ khác như mở rộng sân đỗ máy bay, bãi đỗ xe, cổng thu vé, cổng ra vào và tường rào.

ACV đưa ra hai phương án đầu tư:

Phương án 1: ACV đề xuất đầu tư toàn bộ dự án.
Phương án 2: ACV không phải là nhà đầu tư duy nhất mà chỉ tham gia góp vốn tại doanh nghiệp dự án, tổng công ty dự kiến tham gia với các mức vốn góp 65%, 51% và 36%.

Cũng theo tính toán từ ACV, thời gian xây dựng nhà ga T3 khoảng 42 tháng. Trong đó, việc lập báo cáo khả thi (bao gồm cả lựa chọn nhà thầu, tuyển chọn phương án kiến trúc) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020.

Khoảng thời gian tiếp theo dự kiến sẽ dành cho công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán; Thẩm tra, thẩm định, phê duyệt; Lựa chọn nhà thầu thi công… trước khi có thể khởi công sớm nhất vào quý III/2020, hoàn thành vào quý II/2022.

Trong giai đoạn từ năm 2023-2043, dự án dự kiến mang lại lợi nhuận khoảng 11.800 tỷ đồng sau khi đã điều chỉnh trượt giá (với lãi suất chiết khấu là 7,5%).

Còn Tập đoàn FLC trong văn bản gửi các cấp thẩm quyền bày tỏ mong muốn được đầu tư dự án này và khẳng định sẽ tập trung toàn lực để xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đưa công trình vào khai thác sau 1 năm, nếu được chấp thuận chủ trương.

Theo thống kê Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách. Dự kiến con số này sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/ năm. Do đó việc đầu tư thêm nhà ga T3 là rất cấp bách trước khi sân bay Long Thành được khánh thành.

Kim Long

Xem thêm: