Giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk bị TAND tỉnh tuyên phạt 8 năm tù giam, 4 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Tuy nhiên, người này tuyên bố bản thân vô tội.

giang vien am nhac truong cao dang su pham dak lak bi tuyen 8 nam tu giam
Ông Đặng Đăng Phước. (Ảnh: Đặng Phước/Facebook)

Ngày 7/6, truyền thông trong nước đưa tin thầy giáo Đặng Đăng Phước, giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 8 năm tù giam, 4 năm quản chế.

Vợ ông Phước, bà Lê Thị Hà, người được phép dự phiên tòa ở TP. Buôn Ma Thuột nói với báo VOA sau phiên xử: “Anh Đặng Đăng Phước không nhận tội. Ảnh tuyên bố vô tội”.

Ông Phước từng phục vụ trong quân đội Việt Nam và đóng quân tại Lào trong 4 năm. Sau khi rời quân đội, ông trở thành giáo viên dạy nhạc.

Ông Phước bị bắt vào ngày 8/9/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng ông Phước đã đăng nhiều bài viết “mang nội dung xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý…”

Tuy nhiên, ông Phước không được tiếp cận hồ sơ vụ án và yêu cầu của ông là mời giám định viên tới đối chất ở phiên tòa đã không được tòa án chấp nhận, bà Hà, vợ của ông Phước cho RFA biết.

Trên Facebook cá nhân, bà Hà viết lại nguyên văn những gì chồng bà nói tại phiên tòa sơ thẩm ngày 6/6 như sau:

“Trước hết, tôi thừa nhận tất cả các bài viết mà cơ quan an ninh điều tra, công an tỉnh Đăk Lăk trích xuất làm chứng cứ nhằm cáo buộc tôi tội danh theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, là do tôi thực hiện đăng tải lên Facebook hoặc email của tôi. Trong đó có bài: “Thức tỉnh là cần thiết nhưng chưa đủ” không do tôi viết. Tuy nhiên, tôi không thừa nhận những bài viết đó có nội dung nhằm chống phá nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như cáo buộc bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, trong 22 bài viết đó tôi suy nghĩ viết ra đều phản ánh hiện thực khách quan xã hội hiện nay. Các bài viết đều có luận điểm, luận chứng, luận cứ, không hề bịa đặt, xuyên tạc, nhằm mục đích bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội, đồng thời chia sẻ cho bạn bè được biết về quan điểm của cá nhân.

Thứ hai, tôi lên án tham nhũng mong muốn làm cho bộ máy nhà nước trong sạch để đưa đất nước ngày càng phát triển. Về vấn đề này tôi có số liệu để mình chứng. Cụ thể báo thanh niên ngày 13/1, đưa tin về hội nghị tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 có số liệu như sau: Năm 2022 xử lý 429 vụ tham nhũng /1123 bị can (có 17 bị can thuộc quản lý của bộ chị thị và BBT TW) tăng hơn năm 2021 là 123 bị can. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Báo thanh niên ngày 3/2 đăng bài của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiêu đề: “Cần giữ Đảng trong sạch để đưa đất nước tiến lên”. Trong đó khi đề cập vấn đề tham nhũng, bài báo viết: “tại sao chúng ta xử lý nghiêm, quyết liệt như vậy mà tham nhũng không hề giảm? Theo đó Tổng Bí thư đưa ra 3 nguyên nhân: do cơ chế còn lõng lẻo; do xử lý chưa kịp thời; do công tác giáo dục quản lý cán bộ chưa tốt. Theo tôi nguyên nhân về cơ chế mới là chưa tốt.

Thứ ba, như đã nói ở trên động cơ của tôi không nhằn chống phá nhà nước, nhưng các giám định viên trong các bản kết luận giám định hầu hết các bài viết của tôi đều dùng lập lại nội dung: “có nhiều nội dung không khách quan, không đúng sự thật, vụ khống, xúc phạm bôi nhọ uy tín danh dự của Đảng nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý, lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc gây kích động hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự an toàn xã hội”.

Nhưng nhận xét đánh giá đó theo tôi là rất chủ quan, thiếu căn cứ, chỉ để cố tình mô phỏng theo các điểm a,b,c Điều 117 để chụp mũ tôi, để quy kết tội danh theo khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Tôi khẳng định mình là một công dân có trách nhiệm với xã hội, dùng những kiến thức của mình nhằm bày tỏ quan điểm cá nhân và thực trạng xã hội Việt Nam, để mọi người cùng thấy rõ, cùng nhận thức, chung tay làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn theo hướng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân chứ tuyệt đối không “chống phá nhà nước” như cáo trạng đã nêu. HĐXX nên khách quan đánh giá để kết luận một cách chính xác. Không đánh đồng việc tôi lên án dối trá, bịp bợm, tham nhũng, nói lên sự thật thành “chống phá nhà nước”.

Về bản án được tuyên với thân chủ của mình, Luật sư Lê Văn Luân, đại diện cho nhóm luật sư biện hộ cho ông Đặng Đăng Phước nói với đài RFA ngay sau phiên tòa, ngày 6/6: “Theo chúng tôi, với các tình tiết vụ án, với mức án ấy, thì thực sự là quá nặng so với những gì mà ông Phước đã làm.”

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu nhận định với VOA qua email sau phiên tòa: “Mức án này cho thấy rằng chính phủ Việt Nam hoàn toàn không khoan dung đối với những công dân bình thường chỉ ra tham nhũng, lên tiếng chống lại sự bất công và kêu gọi trách nhiệm giải trình của các quan chức địa phương”.

Bảo Khánh (t/h)