27 nhà văn tự mua vé bay vào Đà Nẵng dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, do UBND TP. Hà Nội phản hồi chậm công văn xin hỗ trợ của Hội Nhà văn.

hoi nha van
Đoàn đại biểu TPHCM với một số bạn văn tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII ở Tuyên Quang năm 2011. (Ảnh: Hữu Đố/vanvn.vn)

Ngày 15/6, Hội Nhà văn Việt Nam đã có thông tin về việc giải quyết chi phí đi lại cho các cây bút dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, diễn ra vào ngày 18 và 19/6 tại Đà Nẵng.

Theo Hội Nhà văn, trưa 14/6, đại diện Văn phòng UBND TP. Hà Nội gọi điện cho Thường trực Hội, đề nghị cung cấp danh sách đại biểu tham dự để hỗ trợ.

Tuy nhiên, do “2 lần gửi công văn cho Thành ủy, UBND TP. Hà Nội nhưng không thấy phản hồi nên Hội và chính các đại biểu trẻ của Hà Nội đã tìm cách giải quyết”. Chi phí sẽ được Hội tìm cách thanh toán sau Hội nghị.

Hội Nhà văn cho biết thêm mỗi nhiệm kỳ 5 năm của khóa mới, Ban Chấp hành Hội đều tổ chức một Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc. Kinh phí tổ chức Hội nghị từ nguồn Nhà nước cấp và vận động xã hội hóa.

Theo thông lệ, mỗi khi tổ chức Hội nghị viết văn trẻ, ngoài thư mời đại biểu thì Hội Nhà văn Việt Nam đều có công văn gửi lãnh đạo đảng bộ, chính quyền và hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đại biểu tham dự, trong đó có thời gian nghỉ việc và hỗ trợ chi phí vé tàu xe đi lại.

“Nếu như tỉnh thành nào phản hồi rằng họ không có điều kiện hỗ trợ kinh phí cho đại biểu thì ban tổ chức sẽ tìm cách lo liệu, với mục đích làm sao cho các bạn viết trẻ đến tham dự đầy đủ trong ngày hội của mình. Lần này, trong quá trình chuẩn bị tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng gửi công văn về các tỉnh thành như thông lệ”, Hội Nhà văn cho hay.

Cũng theo Hội nhà văn, tại cuộc họp báo sáng 13/6, ban tổ chức đã nhận được phản hồi từ đa số các tỉnh thành, trong đó có địa phương như Lạng Sơn từ chối hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu.

Riêng TP. Hà Nội, do có số lượng đại biểu đông nhất (27 người) và là địa phương ít có tiền lệ hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu (vì các Hội nghị trước đây chủ yếu tổ chức ở Hà Nội) nên Hội Nhà văn Việt Nam đã 2 lần gửi công văn cho lãnh đạo thành phố nhưng không thấy phản hồi.

Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn, cho biết ông thất vọng khi không được thành phố hồi đáp, hỗ trợ. Tuy nhiên, dư luận cũng có ý kiến cho rằng cho rằng Hội Nhà văn nên tự túc, hạn chế cơ chế xin, cho.

Vài năm qua, chủ đề xóa bỏ bao cấp cho các hội, tổ chức nghề nghiệp, nhất là Hội Nhà văn Việt Nam, gây chú ý. Mỗi năm, ngân sách nhà nước cấp cho Hội khoảng 5 tỷ đồng để hoạt động và tổ chức các sự kiện, theo báo Vnexpress.

Trong buổi họp báo ra mắt trang thông tin của hội năm ngoái, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết mong muốn sớm xã hội hóa bởi kinh phí từ ngân sách nhà nước ngày một hẹp.

Ông cũng muốn cải tạo trụ sở của Nhà xuất bản Hội Nhà văn ở 65 Nguyễn Du (Hà Nội), đồng thời tổ chức nhiều giải thưởng văn học từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị mong muốn có nhiều cuộc thi, sáng tác dành cho các cây bút trẻ.

Năm nay, ở lần thứ X tổ chức, sự kiện có 138 đại biểu tham dự, trong đó có 119 người là cây bút trẻ trên cả nước, 19 người là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tuổi trung bình của các đại biểu là 20 đến 30, chủ yếu hoạt động ở mảng sáng tác văn, thơ. Người trẻ nhất tham gia Hội nghị là Trần Phú Minh Anh (15 tuổi), đang là học sinh phổ thông ở TP.HCM.

Minh Long