Sáng 30/9, chỉ số theo dõi chất lượng không khí IQAir AirVisual tiếp tục hiển thị mức độ đáng báo động về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

ô nhiễm không khí, bụi mịn
Không khí luôn bị che mờ dù là ban ngày. (Ảnh: Shutterstock)

Hà Nội tiếp tục là thành phố đầu bảng xếp hạng về ô nhiễm không khí tại Việt Nam và trên cả thế giới. Ghi nhận từ 6h sáng đến 9h30 sáng ngày 30/9, chỉ số AQI của Hà Nội liên tục dao động từ khoảng 186 lên tới 302 ở một số khu vực. 

Tương ứng với chỉ số AQI, mức độ cảnh báo hiện lên chủ đạo với gam màu tím – mức được cho là “very unhealthy” (rất không tốt cho sức khoẻ). Đặc biệt tại Tây Hồ vào lúc 8h sáng, chỉ số AQI lên tới 302 tức cảnh báo màu nâu, mức độ cảnh báo cao nhất “gây nguy hiểm” cho sức khoẻ, cần tránh hẳn việc ra ngoài.

Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội trong sáng 30/9 cũng ở mức rất không tốt cho sức khoẻ, dao động từ 163 tới 225 micrograms trên mỗi m3, cao gấp nhiều lần quy chuẩn quốc gia (25 micrograms/m3) và trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (10 micrograms/m2).

71214942 10157563814049183 5206742140876488704 n 1
Chỉ số AQI ghi nhận vào 7:30 sáng ngày 30/9

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, bụi mịn PM2.5 đặc biệt nguy hiểm do có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Nó là một trong những  nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Nó còn làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. 

Nó cũng là một trong các nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.

Theo AQI, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức màu tím sẽ làm tăng nặng đáng kể các loại bệnh lý nói trên. Theo đó, người dân được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài; người mắc bệnh hô hấp hoặc bệnh tim, người già và trẻ em nên tránh mọi hoạt động ngoài trời.

Điều đáng nói, Hà Nội trong suốt 1 tuần qua liên tiếp nằm trong top đầu của những thành phố có mức ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, và có nhiều thời điểm đứng đầu thế giới, theo Air Visual.

Không chỉ ban ngày, mà cả vào ban đêm, mật độ bụi vẫn bao phủ dày đặc Hà Nội, có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Nhiều người có cảm giác khó chịu về hô hấp, ngột ngạt, khô, cay mắt khi ra đường, nhất là người già và trẻ nhỏ hay những người có sẵn bệnh lý về hô hấp.

Không chỉ Hà Nội, một số thành phố khác thuộc Bắc Bộ cũng nằm trong ngưỡng ô nhiễm không khí rất cao, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên v.v. với chỉ số AQI luôn ở mức đỏ – tím.

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí như trên tại Hà Nội được các chuyên gia cho rằng từ nhiều phương diện: khói bụi của các phương tiện giao thông dày đặc, nhiều công trình xây dựng, làm đường, ít cây xanh, thói quen đốt rơm rạ tại một số khu vực, hay hiện tượng nghịch nhiệt. 

Điều đáng nói, chính quyền địa phương dường như chưa có động thái nào đáng kể để giảm thiểu tình trạng trên, ngoài những khuyến cáo chung chung như người dân “không nên ra ngoài tập thể dục buổi sáng”, hay “đeo khẩu trang khi ra đường.”

Tình trạng ô nhiễm không khí ở mức “nguy hại” kéo dài đã khiến người dân Hà Nội buộc phải lên tiếng vì lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Theo Air Visual, đó cũng là bước đầu tiên quan trọng nhất: tăng cường sự nhận thức. Đại diện Air Visual cho biết khi mọi người nhận biết chất lượng không khí là không tốt cho sức khoẻ, họ sẽ yêu cầu có hành động ngăn chặn và điều đó đã diễn ra ở nhiều nước và thành phố, như Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tại Hà Nội, IQAir AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (moitruongthudo.vn), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors).

Tại TP.HCM, IQAir AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm, gồm Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual (một đại học và các trường học). 

Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value).

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: