Theo công điện “hỏa tốc” do Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành, người đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 đến từ vùng dịch cấp độ 3, 4 hoặc các tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Long An… vẫn phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. 

ong dinh tien dung
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vắc-xin mắc COVID-19 tại Hà Nội có xu hướng tăng nhanh. Hà Nội hiện tăng kiểm soát người từ vùng dịch về, bao gồm cả người đã tiêm vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. (Ảnh: Viết Thành/hanoimoi.com.vn)

Từ ngày 17/11, Hà Nội chính thức triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt đối với người về từ các tỉnh, thành theo Công điện số 23 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Chu Ngọc Anh ký ban hành vào tối 16/11.

Theo quy định mới, điều chỉnh lớn nhất tập trung vào nhóm người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Cụ thể, người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3 – vùng đỏ và vùng cam) và các tỉnh, thành có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… sẽ phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội, thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày đầu tiên như trước.

Những người chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ liều đi từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3 – vùng da cam) phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội, thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm như trước.

Những người đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2 – vùng vàng) phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày đầu tiên tới Hà Nội.

Người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc-xin COVID-19 đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2 – vùng vàng) phải tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 khi tới Hà Nội.

UBND TP yêu cầu tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương. Trong thời gian cách ly, nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như: ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác…, mọi người cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương.

Ngoài những thay đổi về việc cách ly với người từ các tỉnh thành khác đến, Hà Nội công bố điều chỉnh phương án cách ly đối với các F1 (người tiếp xúc gần ca nhiễm COVID-19) gồm: rút thời gian cách ly tập trung xuống còn 14 ngày, thí điểm cách ly F1 tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

Chính quyền Hà Nội nhấn mạnh với các trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà, “thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn”. Người muốn cách ly tập trung tại khách sạn phải có đơn xin tự nguyện cách ly tại khách sạn đã được TP phê duyệt làm cơ sở cách ly tập trung với F1 và cam kết chi trả kinh phí.

TP tiếp tục duy trì khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc chưa kích hoạt; rà soát và mở rộng các khu cách ly, đảm bảo trang thiết bị, hậu cần để sẵn sàng tiếp nhận người dân.

Đối với người bị nhiễm COVID-19 (F0), Hà Nội thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ “trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ”, do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế”.

Việc thí điểm điều trị sẽ thực hiện tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn (quận Long Biên) với quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên (Hoài Đức) 300 giường (là trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú (huyện Sóc Sơn) 200 giường; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (huyện Thanh Trì) 300 giường; Trường mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) 200 giường.

Sau thời gian thí điểm, Hà Nội sẽ mở rộng cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã.

Thời gian thực hiện thí điểm cho đến khi có thông báo mới của TP.

Theo báo Hà Nội Mới – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ngày 16/11 cho hay tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp. Những ngày gần đây, số ca F0 tại Hà Nội tăng lên mức 3 con số; mới nhất từ 18h ngày 14/11 đến 18h ngày 15/11, Hà Nội ghi nhận thêm 289 ca dương tính. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vắc-xin mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhanh.

Ông Dũng dự báo số ca F0 phát sinh trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cao, cho rằng nguồn lây đã tồn tại trong cộng đồng và từ nhiều người dân trở về từ các địa phương có dịch mà chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định. Từ đó, ông Dũng yêu cầu phải thiết lập các trạm y tế lưu động, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà, thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn.

Với trẻ em dưới 18 tuổi, ông Dũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT sẵn sàng tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 cho các nhóm trẻ ngay khi Bộ Y tế phân bổ vắc-xin, yêu cầu tiêm an toàn, theo nguyên tắc “vắc-xin về đến đâu tiêm hết ngay đến đó”.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 16/11, Hà Nội ghi nhận 150 ca dương tính COVID-19 tại 22 quận, huyện, trong đó 28 ca trong cộng đồng, 111 ca trong khu cách ly, 11 ca trong khu phong tỏa.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Chính phủ Việt Nam dự kiến lập ‘Quỹ phòng, chống COVID-19’