Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng mức đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Giới chức Hà Tĩnh đã đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng 24,4ha đất rừng để làm dự án trên.

nhiet dien vung ang II
Hà Tĩnh chuyển đổi 24,4ha đất rừng làm nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II. (Ảnh minh họa: vietnamfinance.vn)

Báo chí nhà nước hôm 17/8 cho biết tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua nghị quyết quyết định việc chuyển hơn 36ha rừng để thực hiện 3 dự án.

Đáng chú ý, giới chức Hà Tĩnh quyết định chuyển mục đích sử dụng 24,4ha rừng trồng để làm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II (ở thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh).

Số diện tích rừng trên thuộc khoảnh 9, tiểu khu 353 (tại xã Kỳ Lợi), khoảnh 1, tiểu khu 359 (tại phường Kỳ Thịnh) và khoảnh 1, 2 tại tiểu khu 358D (tại phường Kỳ Trinh).

Trong đó, có 9,95ha quy hoạch rừng phòng hộ, 9,31ha rừng sản xuất và 5,16ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng do cộng đồng thôn và hộ gia đình quản lý.

Ngoài dự án BOT Vũng Áng, tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chuyển 10,34ha rừng trồng thuộc khoảnh 1, 1A, tiểu khu 91 (xã Cổ Đạm), khoảnh 1A, tiểu khu 94 (xã Xuân Liên), khoảnh 1A, tiểu khu 99 (xã Cương Gián) để làm công trình tuyến đê biển huyện Nghi Xuân giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, giới chức tỉnh chuyển mục đích sử dụng hơn 1,7ha rừng trồng thuộc khoảnh 1, tiểu khu 93 (xã Cổ Đạm) thuộc quy hoạch rừng sản xuất để thực hiện dự án trường bắn, thao trường huấn luyện quân sự huyện Nghi Xuân.

Trước đó, đầu tháng 7/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 24,4ha sang thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II.

Tổng mức đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II khoảng 2,2 tỷ USD, sử dụng than nhập khẩu. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO), với tỷ lệ cổ đông góp vốn ban đầu gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.

Dự án có tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 149 ha, thuộc xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh và Kỳ Long (thị xã Kỳ Anh). Nhà máy có tổng 9 hạng mục xây dựng chính, bao gồm; khu vực nhà máy chính, đường vào nhà máy, bãi thi công ban đầu, hệ thống nước làm mát và trạm bơm nước cầu cảng, bãi thi công bổ sung, đường xả làm mát kéo dài của VA1, khu nhà ở cán bộ và công nhân, bãi đổ đất hữu cơ, khu vực bãi chứa xỉ và đường ống chuyển xỉ.

Việc giải phóng mặt bằng và chi trả tiền bồi thường hiện đang được chính quyền địa phương và chủ đầu tư triển khai. Dự kiến dự án khởi công vào tháng 9. Dự án cũng đã có hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), hợp đồng mua bán điện…

Theo giới chức Hà Tĩnh, sản lượng điện trung bình hàng năm của dự án là hơn 8,5 GWh. Đồng thời, dự án tạo thêm công ăn việc làm cho doanh nghiệp xây dựng địa phương và cả nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, ước lượng lao động phục vụ xây dựng dự án khoảng 4.000 – 5.000 người…

Người dân phải đối diện với khói bụi, ô nhiễm, ung thư…

Hồi tháng 3/2021, báo Hà Tĩnh dẫn lời ông Nguyễn Văn Hảo, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ thị xã Kỳ Anh cho biết việc giải phóng mặt bằng được khởi động lại vào đầu năm 2021. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, bởi dự án từng bị trì hoãn quá lâu khiến người dân không mấy mặn mà, cùng đó, việc di dời mồ mả, nơi thờ tự mang yếu tố tâm linh càng khiến việc giải phóng mặt bằng vô cùng gian nan”.

Hồi năm 2019, báo Người Đô Thị dẫn lời chị D.T.C, (nhà chị cách nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 khoảng hơn 500m) cho biết “từ khi có nhiệt điện than Vũng Áng và Formosa, không khí ở đây không còn trong lành như ngày xưa nữa”.

Theo chị C., vào mùa gió Nam lào, gió Nồm của những tháng hè, không khí ở đây tệ hơn nhiều. Lúc nào cũng như có một màng bụi mỏng vây bám lấy hơi thở. Tùy hướng gió, lúc thì bụi từ Formosa bay qua, khi thì từ nhiệt điện than Vũng Áng 1 phả lại.

Đặc biệt vào ban đêm, người dân cho biết họ thường thấy ống khói xả ra khí đen.

Chị cũng như nhiều người dân không còn dám dùng nước mưa hứng từ mái nhà cho ăn uống, vì sợ bị ung thư; nước giếng cũng không dám dùng vì thấy màu nước lạ. Một tháng gia đình chị mất khoảng 1 triệu đồng mua nước bình cho ăn uống…, tờ báo viết.

Đáng chú ý, tờ báo này còn cho biết số lượng người dân mắc bệnh tim mạch, tai biến mạch não phát hiện năm 2017 tại xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) là 105 ca, bốn tháng đầu năm 2018 có thêm 11 ca mắc mới. Năm 2017 phát hiện 8 ca ung thư, bốn tháng đầu năm 2018 phát hiện thêm 6 ca ung thư. Sổ tử ghi nhận trong vòng bốn tháng 8, 9, 10, 11 năm 2017 đã có 12 ca chết do bệnh tim mạch và đột quỵ, 2 ca chết do ung thư.

Còn báo cáo số ca tử vong của xã Hải Hà, trong 5 năm liền (2013 – 2017) cho thấy dân số toàn xã là gần 11.000 người, mỗi năm có từ 8 – 15 ca chết vì ung thư, chiếm khoảng 30 – 40% trong tổng số ca chết. Đặc biệt năm 2015, tỷ lệ này tăng vọt gần 45% với 15 người chết do ung thư phổi, gan, dạ dày và hạch trên tổng 34 người chết toàn xã…

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhận định, đây là những tỉ lệ rất cao, đáng báo động.

Ông An giải thích tỷ lệ ung thư ở Việt Nam ở mức trung bình cao trên thế giới, chiếm khoảng 30-40%. Trung bình xã vùng đồng bằng Bắc Bộ có tỷ suất chết thô (CDR – Crude Deadth Rate) là 6,8 ‰. Hiểu nôm na, nếu 1 xã có 10.000 dân thì trung bình chết khoảng 6 người/năm, trong đó khoảng 2-3 người chết là do bệnh ung thư.

“Ô nhiễm không khí có thể là một trong những nguyên nhân lớn gây ra thực trạng trên”, bác sĩ An nói.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Nhiệt điện than: Cứ 9 người tử vong thì 8 người do giới hạn phát thải của Việt Nam