Hàng loạt sai phạm tại Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện đồng thời chuyển một số nội dung tới Bộ Công an để điều tra.

hang loat sai pham tai cong ty truc thuoc bo vhttdl chuyen bo cong an dieu tra
Ông Trần Văn Minh (Phó Tổng Thanh tra) chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra đối với Vinasport. (Ảnh: thanhtra.com.vn)

Chiều ngày 27/2, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm xảy ra tại đơn vị này, đồng thời kiến nghị chuyển thông tin đến Bộ Công an để tiếp tục điều tra và thu hồi những khoản tiền thất thoát liên quan tới các việc sau:

  • Xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất “khống” không có hợp đồng gây thất thoát số tiền 1,4 tỷ đồng;
  • Trả trước số tiền 150.000 EURO cho Hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport.

Thanh tra Chính phủ cũng chuyển Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ một số nội dung liên quan đến các khoản công nợ phải thu gồm:

  • Các khoản huy động vốn tại Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao giai đoạn 2008-2010;
  • Khoản chi cho Công ty Nam Đô số tiền 1 tỷ đồng mà không có khả năng thu hồi;
  • Các thông tin liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định đối với Công ty HBI.

Ngoài ra, Việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại 181 Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện, gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 7,5 tỷ đồng; việc mua bán phôi thép với Công ty TNHH An Việt Úc không có khả năng thu hồi, làm mất vốn với số tiền gần 5,9 tỷ đồng… cũng được chuyển thông tin đến Bộ Công an để tiếp tục điều tra.

Đồng thời, trách nhiệm của lãnh đạo VH-TT&DL qua từng thời kỳ (giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2021) đối với những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Vinasport cũng được kiến nghị làm rõ.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ này làm rõ trách nhiệm, thay thế người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport.

Thêm vào đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân (thuộc Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam trước đây) đã để xảy ra sai phạm; đồng thời, chỉ đạo Vinasport nộp số tiền cổ tức hằng năm là hơn 2 tỷ đồng và số tiền bán cổ phần thu được về ngân sách Nhà nước.

Sau khi cổ phần hóa: Nội bộ “đấu tố”; 5 năm, 4 lần thay lãnh đạo

Vinasport được cổ phần hóa năm 2006 với vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 51,32% do ông Bùi Duy Nghĩa (SN 1959, Kỹ sư thủy lợi) làm người đại diện vốn.

Tháng 10/2012, bộ VH-TT&DL bổ sung thêm ông Trịnh Quốc Toàn (SN 1974) làm đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport với tỷ lệ 21,32%, phần vốn ông Nghĩa làm đại diện rút xuống 30%.

Ông Bùi Duy Nghĩa khi đó đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Vinasport.

Thanh tra bộ Nội vụ cho biết hồ sơ cử ông Toàn và ông Nghĩa làm người đại diện vốn Nhà nước không có tài liệu của HĐQT, Tổng giám đốc Vinasport đề nghị về chủ trương, chức danh nhân sự.

Đến cuối tháng 9/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố hình sự về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinasport, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nghĩa.

Sau khi ông Nghĩa bị bắt, bộ VH-TT&DL đã miễn nhiệm ông Nghĩa. Phần vốn Nhà nước với tỷ lệ 51,32% vốn tại Vinasport được chuyển cho ba người gồm: ông Trịnh Quốc Toàn rút xuống đại diện 15,5% vốn, ông Nguyễn Ngọc Thạch đại diện 20,31% vốn và ông Lê Hồng Nam do phía Vinasport đề xuất đại diện 15% vốn.

Tháng 2/2016, Thanh tra bộ VH-TT&DL phát hiện ông Toàn và ông Nam chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hai người này chỉ “tự kiểm điểm rút kinh nghiệm”, phần vốn Nhà nước tiếp tục được sang tay cho ông Đoàn Viết Thắng (do ông Nguyễn Ngọc Thạch giới thiệu).

Chỉ 2 tháng sau khi được ông Thạch giới thiệu, ông Thắng được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Vinasport – đại diện vốn Nhà nước với tỷ lệ 20%, ông Thạch đại diện 31,32% vốn.

Mọi việc chưa dừng lại ở đó, sau khi được bổ nhiệm làm sếp, ông Thắng bị nội bộ công ty “tố” năng lực quản lý hạn chế, không thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ, nghị quyết HĐQT và đề nghị Bộ thay thế ông Thắng.

Đáng nói, những người đưa ra đề xuất trên lại chính là những “gương mặt cũ” trong HĐQT gồm ông Nam, ông Toàn và người giới thiệu ông Thắng là ông Thạch.

Ông Thạch cũng là người gửi văn bản “tố” ông Toàn, ông Nam có sai phạm trong vụ án liên quan đến ông Bùi Duy Nghĩa giai đoạn 2015-2016, “tố” ông Thắng vô ý thức kỷ luật, coi thường HĐQT.

Ông Thạch đề nghị Bộ thay thế cả ba nhân sự là ông Toàn, ông Nam, ông Thắng vì “những người này năng lực yếu kém, không tâm huyết”. Trong trường hợp, nếu Bộ giữ nguyên bộ máy như hiện tại thì điều chuyển ông Thạch đi nơi khác và sẵn sàng chấp nhận sự điều động của Bộ trưởng bộ VH-TT&DL.

Sau một thời gian dài, tháng 11/11/2016, thể theo nguyện vọng của ông Thạch, bộ VH-TT&DL đã miễn nhiệm ông Thạch, phần vốn Nhà nước do ông đại diện được chuyển cho ông Thắng, ông Nam quay lại làm đại diện 20% vốn.

Ngày 19/4/2017, Cơ quan CSĐT bộ Công An tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Quốc Toàn vì hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khánh Vy